Củng cố niềm tin của doanh nghiệp bằng cơ chế, chính sách minh bạch, thuận tiện

00:00 12/10/2020

Ðối với mục tiêu chống suy thoái doanh nghiệp, trong gói hỗ trợ lần 2 tới đây, rất mong Chính phủ xây dựng các chính sách hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực nhiều hơn cho doanh nghiệp.

 
 
 

Nhiều cửa hàng phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong những tháng đầu năm. Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN

Cơ chế thực thi chính sách phải nhanh, minh bạch, thuận tiện, chú trọng cung cấp đa dạng dịch vụ công trực tuyến, đồng thời áp dụng chế tài mạnh với các khâu thực thi đi ngược chủ trương tạo thuận lợi của Chính phủ, để gia tăng hiệu quả chính sách”.

Đây là đề xuất của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) sau khi khảo sát lần 3 về tình hình doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần hai tại Việt Nam.
Cùng với nội dung trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban IV Trương Gia Bình đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát các chính sách đã ban hành trong gói hỗ trợ lần 1 để điều chỉnh và giảm tải các quy định, điều kiện, thủ tục còn rườm rà, bất hợp lý, đồng thời, giao các bộ, ngành nghiên cứu tham mưu những chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra để cân đối và sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu nhằm duy trì người lao động, duy trì sản xuất, kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp.

Song song với chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư công, tập trung trước hết vào xây dựng các hạ tầng kết nối, hạ tầng số, rà soát, triển khai các chương trình, biện pháp quyết liệt để thu hút hiệu quả dòng đầu tư nước ngoài (FDI) và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng tốt hơn các cơ hội bộc lộ trong bối cảnh dịch cũng như từ các dòng đầu tư FDI này.

*20% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động

Kết quả khảo sát đối với 15 hiệp hội và 349 doanh nghiệp (gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), từ ngày 13-16/8/2020 cho thấy, tác động của sự bùng phát dịch COVID-19 lần hai đối với doanh nghiệp đặc biệt lớn: 20% doanh nghiệp trả lời đã phải tạm dừng hoạt động; 76% doanh nghiệp cho biết hiện không cân đối được thu chi; 2% doanh nghiệp đã giải thể, chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Các khó khăn lớn nhất doanh nghiệp phải đối mặt trong tình hình hiện nay và 6 tháng tới là: Không có khách hàng/đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ (chiếm 81% câu trả lời); đảm bảo tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn (chiếm 72%); trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi (chiếm 53%); trả tiền điện nước và nhiên liệu đầu vào (chiếm 45%) và trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị (chiếm 42%).

Công nhân dệt may tại một doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN 

Bà Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV cho biết, một số hiệp hội còn chỉ ra khó khăn liên quan tới việc trả tiền thuê đất cho Nhà nước. So với năm 2019, tiền thuê đất năm 2020 tăng đột biến bởi một số điều chỉnh chính sách, cách thức tính toán giá thuê đất... dẫn tới các doanh nghiệp sử dụng quỹ đất lớn (như doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, nhà xưởng; thuê đất để đầu tư nhà máy, cơ sở chế biến; hoặc kinh doanh khách sạn, nhà hàng...) phải nộp tiền thuê đất tăng từ vài chục phần trăm tới mấy trăm phần trăm.

Ðây là vấn đề gây áp lực nghiêm trọng với doanh nghiệp, bởi bối cảnh hiện nay, đơn hàng sụt giảm mạnh hoặc không có, nhiều ngành như du lịch thậm chí đang “đóng băng”.

Đại dịch gây thiệt hại trên diện rộng cho các ngành và mọi quốc gia, nhiều doanh nghiệp phá sản, các chuỗi cung bị đứt gãy, thị trường khủng hoảng và sức mua giảm sút nặng nề... dẫn tới nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, hoặc chậm trễ thanh toán dù đã nhận hàng.

Vấn đề này tác động trực tiếp đến dòng tiền vào của các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng hàng, cũng như doanh nghiệp liên quan, gây ra “áp lực kép” cho doanh nghiệp bởi vẫn phải đảm bảo các khoản chi ngay cho nguyên, nhiên liệu đầu vào, chi nhân công...

Theo kết quả khảo sát, có tới 54% doanh nghiệp có dòng tiền vào chỉ đáp ứng dưới 50% chi phí. Chỉ có 7% doanh nghiệp trả lời có dòng tiền vào đáp ứng trên 75% chi phí. Như vậy, cân đối được dòng tiền vào với chi phí của doanh nghiệp là bài toán lớn nhất hiện nay. Doanh nghiệp có dòng tiền vào đáp ứng trên chi phí càng thấp thì mức độ tổn thương do dịch bệnh kéo dài hoặc nguy cơ phá sản càng cao.

Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, có khoảng 20% doanh nghiệp thành viên phải tạm ngừng một phần hoạt động kinh doanh. Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) ước khoảng 2% doanh nghiệp thành viên tạm dừng hoạt động. Còn Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) có 20% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 10% doanh nghiệp giải thể.

*Doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động

Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần hai đã khiến hơn 47% doanh nghiệp trả lời phải cắt giảm lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp cắt giảm trên 50% lao động chiếm 33% số doanh nghiệp trả lời. Có 27% số doanh nghiệp trả lời duy trì lao động nhưng giảm lương và giảm giờ làm.

Bà Phạm Ngọc Thủy cho hay, ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất, không có khách hàng, nên theo kết quả phỏng vấn trực tiếp Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (VITA), phần lớn doanh nghiệp siêu nhỏ/nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán vé sa thải 100% lao động. Với doanh nghiệp lữ hành quốc tế, sa thải khoảng 80% lao động. Với doanh nghiệp du lịch lớn, mức đã sa thải trung bình cũng khoảng 40- 50% lao động.

Việc cắt giảm lao động cũng là động thái chung của nhiều doanh nghiệp, như doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Rau quả Việt Nam và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cắt giảm khoảng 10% lao động. Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp lớn cắt giảm 30-60% lao động.

Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam cắt giảm khoảng 5-7% đội ngũ bán hàng. Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cắt giảm lao động ở các doanh nghiệp thành viên dao động từ 10% đến 30% lao động; con số này ở Hiệp hội Bông sợi Việt Nam là 20-40%.

“Theo ý kiến của doanh nghiệp và đại diện nhiều hiệp hội, các doanh nghiệp tồn tại đến thời điểm này đã là nỗ lực vô cùng lớn, nhưng nỗ lực bỏ ra để giữ người lao động, đặc biệt bộ máy lao động chủ chốt, các quản lý cấp trung và lao động lành nghề còn lớn hơn nữa. Hầu hết chủ doanh nghiệp đều nhận thức được rằng người lao động là tài sản quý nhất của doanh nghiệp, còn người lao động thì còn doanh nghiệp và mất người lao động bản thân doanh nghiệp sẽ dần lao đao”, bà Phạm Ngọc Thủy nói.

Theo bà Thủy, các chủ doanh nghiệp cũng nhìn thấy rõ chi phí cơ hội của việc sa thải hàng loạt nhân sự và chi phí tuyển dụng lại là rất cao nên đã đồng thời áp dụng nhiều biện pháp giữ chân người lao động.

Tuy nhiên, áp lực của việc đảm bảo dòng tiền chi lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản phí liên quan tới người lao động như kinh phí công đoàn trong bối cảnh lượng tiền thực của doanh nghiệp ngày càng mỏng, lại vẫn phải trả lãi vay ngân hàng, trả các khoản tiền thuế, phí cho nhà nước... khiến doanh nghiệp hầu như không có lựa chọn nào ngoài việc cắt giảm mạnh lao động.

*Củng cố niềm tin của doanh nghiệp

So với hai lần trước đây, khảo sát lần này cho thấy một vấn đề rất đáng lưu tâm là đã có sự suy giảm niềm tin của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội khi được hỏi ý kiến về hiệu quả của các chính sách đã ban hành cũng như hướng đề nghị các chính sách mới. Do đó, hàng loạt khuyến nghị chính sách đã được Ban IV đưa ra nhằm củng cố niềm tin của doanh nghiệp với Chính phủ.
Trong đó, Ban IV đề xuất Chính phủ cần có các quyết sách và cơ chế giúp chính sách ra đời nhanh, được thực thi nhanh, minh bạch, thuận tiện, vì nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng cần “cấp cứu”. Nếu thực thi các chính sách hỗ trợ không nhanh, doanh nghiệp có thể lâm vào tình trạng “chết lâm sàng”, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới cả nền kinh tế.

Công nhân nhà máy SanQi Việt Nam kiểm tra và đóng gói khẩu trang y tế. Ảnh: Minh Hưng - TTXVN

Thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã “kiệt quệ” và đổ vỡ, Chính phủ rà soát, sửa đổi hoặc báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi theo hướng có nhiều hơn những chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra như miễn, giãn, hoãn, giảm các khoản tiền bảo hiểm, tiền thuế, phí với nhà nước, tiền thuê đất, tiền lãi vay ngân hàng, kinh phí công đoàn... phải nộp trong năm 2020 – 2021.

“Dù ở kịch bản lạc quan là dịch bệnh có khả năng khống chế được trong một vài tháng tới thì mức độ thiệt hại và khả năng phục hồi của doanh nghiệp vẫn được dự báo sẽ phải kéo dài tới ít nhất là hết năm sau”, bà Thủy khẳng định.

Ði vào chi tiết, doanh nghiệp và hiệp hội đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Bởi, trên thực tế, mọi doanh nghiệp đều chịu tác động tiêu cực của đại dịch, không phân theo quy mô doanh thu.

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể đóng cửa tức thì bởi dịch bệnh, nhưng doanh nghiệp lớn trong nỗ lực duy trì hệ thống đã chịu thiệt hại thậm chí còn nặng nề hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực hơn tới nền kinh tế nếu không kịp thời có các chính sách hỗ trợ hiệu quả.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đánh giá tính cấp thiết và ý nghĩa của việc miễn đóng kinh phí công đoàn trong cả năm 2020 đến năm 2021, thay vì chỉ hoãn đóng một số tháng nhằm củng cố tinh thần cho doanh nghiệp.

Chính phủ trình Quốc hội giảm mức thuế suất từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch…

Chu Thanh Vân