Còn lỗ hổng chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ

00:00 12/10/2020

Nông nghiệp Việt Nam ngày càng già nua. Phát triển Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) sẽ góp phần trẻ hóa được nền nông nghiệp Việt. Bước đi này nhằm tìm kiếm những phương cách đưa nông sản thuần tự nhiên đến người tiêu dùng, phù hợp với xu hướng sống sinh thái hòa hợp với thiên nhiên và phát triển bền vững, chống ô nhiễm môi trường... Để tìm lời giải cho bài toán này, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA).

Ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA)

Sản xuất và sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đang là xu thế phát triển của thế giới. Trước viễn cảnh NNHC sẽ góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, duy trì và bảo vệ hệ sinh thái bền vững, tạo ra sản phẩm bổ dưỡng, an toàn cho người tiêu dùng, thì Việt Nam - một nước nông nghiệp đã đón đầu xu hướng đó như thế nào, thưa ông?

Phát triển và sử dụng nông nghiệp hữu cơ là xu thế của tất cả các nước phát triển trên thế giới cũng như là các nước đang phát triển, bởi những hậu quả của việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đã lộ rõ nhiều bất cập như: đất đai bạc màu, sâu bệnh càng tiến hóa để thích ứng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Cho nên, cả thế giới đều hướng đến nền NNHC, trong đó có Việt Nam. Trên thế giới hiện nay có trên 180 nước đang sản xuất NNHC với tốc độ tăng trưởng về sản phẩm, tổng diện tích gieo trồng, sản xuất NNHC hàng năm đều tăng 2 con số (18 -25%), về sản lượng và tổng doanh thu đều tăng. Doanh thu sản phẩm hữu cơ hiện nay trên thế giới là khoảng 90 tỷ USD/năm. Tuy châu Á là châu lục sản xuất nhiều sản phẩm NNHC nhưng lại là châu lục tiêu thụ ít nhất so với các châu lục khác, đặc biệt là so với châu Âu và Mỹ.

Giống như nhiều nước khác trên thế giới, nông dân nước ta được hiểu là đã biết canh tác hữu cơ theo cách truyền thống từ hàng nghìn năm nay, nhưng sản xuất NNHC theo khái niệm hiện tại của IFOAM thì mới chỉ được bắt đầu từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước với một vài sáng kiến, chủ yếu tập trung vào việc khai thác các sản phẩm tự nhiên, chẳng hạn như các loại gia vị, tinh dầu thực vật, mật ong và dược liệu… để xuất khẩu sang một số nước châu Âu. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đã có một số tổ chức phi chính phủ đầu tư sản xuất hữu cơ vào Việt Nam như Tổ chức Phát triển Nông nghiệp châu Á (ADDA) Đan Mạch đã hỗ trợ Việt Nam một số dự án phát triển NNHC, trong đó tập trung phát triển NNHC cho các tỉnh phía Bắc. Cụ thể: Năm 2008, ADDA và Hội Nông dân Việt Nam có thực hiện dự án khung phát triển sản xuất và tiêu thụ NNHC cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Từ những dự án này, người ta đã phát triển ở 07 tỉnh miền núi phía Bắc (Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng) về phát triển NNHC. Từ đó chính quyền các địạ phương, các bộ ban ngành và nông dân chúng ta bắt đầu có hiểu biết, có những kinh nghiệm về NNHC, từ đó nhận ra xu thế phát triển NNHC.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm, tin cậy đến sản phẩm NNHC

Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm, trong đó có NNHC. Với việc Nhà nước cho phép thành lập Hiệp hội NNHC Việt Nam vào năm 2011, một số hoạt động liên quan đến NNHC đã được khởi động. Đặc biệt là 5 năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cụ thể là Trung ương có Nghị quyết lần thứ 4 của khóa XXII “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, có giá trị lớn” TW Đảng đã nêu vấn đề về phát triển NNHC và Chính phủ đã có Nghị định 109/2018 ban hành 29/8/2018 về NNHC. Thông qua những tác động của các dự án tổ chức phi Chính phủ, đã mang đến sự phát triển phong trào NNHC. Cách đây 5 năm, diện tích của Việt Nam khoảng 33 nghìn ha thì đến năm 2018 là 118.755 ha đất canh tác nông nghiệp. Việt Nam có tốc độ tăng khá nhanh, đứng thứ 3 các nước ASEAN (sau Phillipine và Indonesia) về phát triển NNHC, phát triển cả diện tích và số lượng tiêu thụ, doanh thu.

Hiện cả nước đã có 40/63 tỉnh, thành đã có mô hình sản xuất NNHC, tốc độ tăng trưởng nhanh cả về quy mô, sản lượng cũng như giá trị và chủng loại sản phẩm hữu cơ, tập trung tại một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, Quảng Nam, Lâm Đồng, Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu... Những năm gần đây có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm và xuất hiện nhiều thực phẩm không an toàn, thì người tiêu dùng bắt đầu quan tâm, tin cậy đến sản phẩm NNHC, trong đó 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đi đầu về tiêu thụ sản xuất NNHC. Thậm chí, sản lượng sản xuất trong nước không đủ, rất nhiều doanh nghiệp đã nhập các sản phẩm hữu cơ từ nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sản xuất hữu cơ dựa trên 4 quy tắc chung: “Sinh thái, sức khỏe, cẩn trọng, công bằng”. Đây là nguyên tắc nền tảng, là căn cứ xây dựng các Bộ tiêu chuẩn hữu cơ trên thế giới và tại Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường hiện nay xuất hiện nhiều loại sản phẩm đóng nhãn, mác thực phẩm hữu cơ, nhưng chưa thật sự phù hợp với tiêu chuẩn về NNHC, không đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm, khiến người dân hoang mang. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

Sản xuất hữu cơ là một hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất, của hệ sinh thái và con người. Nó dựa chủ yếu vào các tiến trình sinh thái, sự đa dạng sinh học và các chu trình thích nghi với điều kiện địa phương hơn là sử dụng các yếu tố đầu vào (vật tư đầu vào) mang theo những ảnh hưởng bất lợi. Vì vậy khi thực hành sản xuất NNHC cần phải nghiên cứu thấu đáo bốn nguyên tắc chung của sản xuất NNHC; có thể coi đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình sản xuất - kinh doanh sản phẩm hữu cơ.

Đầu tiên là nguyên tắc về sức khỏe: Nông nghiệp hữu cơ cần đảm bảo và tăng cường sức khỏe của đất, cây trồng, động vật, con người và cả hành tinh như một thể thống nhất không thể tách rời. Thứ hai là nguyên tắc về sinh thái: Nông nghiệp hữu cơ dựa vào hệ sinh thái sống động và chu trình tự nhiên. Các thành phần trong hệ sinh thái luôn hỗ trợ nhau, cạnh tranh, ganh đua nhau và cùng nhau duy trì sự tồn tại trong tự nhiên. Nguyên tắc này gắn NNHC sâu vào trong hệ sinh thái năng động. Nó cho thấy sản xuất phải được dựa vào các quá trình của hệ sinh thái, đó là quá trình sản xuất, tiêu thụ và phân hủy. Thứ ba là nguyên tắc về công bằng: Nông nghiệp hữu cơ cần xây dựng trên mối quan hệ đảm bảo tính công bằng cùng với sự quan tâm đến môi trường chung và những cơ hội sống cho tất cả các sinh vật. Sự công bằng được mô tả như là sự hợp tình hợp lý, sự tôn trọng, ngay thẳng và tận tình đối với con người và cả với những mối quan hệ với các đời sống khác ở xung quanh. Nguyên tắc này nhấn mạnh rằng tất cả những gì có liên quan đến nông nghiệp hữu cơ cần đối xử trong mối quan hệ như con người, đảm bảo công bằng tới tất cả các tầng lớp và các bên liên quan: Nông dân- công nhân - trí thức- nhà phân phối - thương nhân và người tiêu dùng. Thứ tư là nguyên tắc về sự cẩn trọng: Nông nghiệp hữu cơ cần được quản lý theo cách phòng ngừa và có trách nhiệm để bảo vệ môi trường, sức khỏe và hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Có thể nói phong trào làm “hữu cơ” đang bùng nổ ở Việt Nam vài năm trở lại đây, đi đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những cửa hàng thực phẩm “hữu cơ”, những thương hiệu “hữu cơ” xuất hiện như nấm mọc sau mưa (dù là tự phong hay được chứng nhận). Hiện nay trước sự nhập nhằng giữa cách làm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao sản xuất thông thường của một số nhà kinh doanh, sản xuất, đánh lừa người tiêu dùng đang phổ biến tràn lan chỉ vì lợi ích. Đây có thể nói là hành động đáng lên án và phải xử lý nghiêm. Mặt khác, dù nói đến công nghệ cao, hay hữu cơ thì việc cần bàn là vấn đề thực phẩm sạch; khi đó ngưỡng cửa minh bạch hóa quy trình sản xuất để có thể truy xuất nguồn gốc, là câu trả lời tốt nhất hiện nay.

 Hiện chính sách thúc đẩy, hỗ trợ NNHC phát triển ở nước ta còn thiếu và chậm được triển khai. Theo ông đâu là nút thắt chính cần tháo gỡ để mở đường cho sự phát triển của NNHC trong tương lai?

Ông Hà Phúc Mịch: Ngay từ khi Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ ra đời vào năm 2011 đã xác định được trách nhiệm và nhìn nhận thấy lỗ hổng chính sách. Thời điểm đó ở Việt Nam chưa hề có 1 văn bản nào chỉ đạo NNHC, chưa nói đến Thông tư, Nghị định hay Luật. Vì vậy, chúng tôi xác định 1 trong những nhiệm vụ hàng đầu của phát triển NNHC hay 1 lĩnh vực nào đó, nếu không có chính sách, hành lang pháp lý thì không thể phát triển được.

Từ thực tiễn đã có những mô hình phương thức phát triển NNHC bảo vệ sức khỏe và môi trường tốt, nhưng rất khó khăn vì không có một “bà đỡ” nào của hành lang chính sách cả. Ví dụ, muốn vay vốn tín dụng, muốn quy hoạch vùng sản xuất, muốn bán hàng sản phẩm hữu cơ có chứng nhận hữu cơ để được người mua tin là sản phẩm hữu cơ... tất cả đều cần phải có hành lang pháp lý chính sách. Vì vậy, chúng tôi xác định chiến lược của mình là vận động chính sách. Từ những năm 2012, 2013, chúng tôi đã có văn bản đề nghị các bộ ngành để chúng tôi tổ chức các diễn đàn, kiến nghị cả Chính phủ có chính sách NNHC. Đến cuối năm 2017, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã đề xuất và Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng 3 chính sách: Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm NNHC; Xây dựng nghị định; Xây dựng đề án phát triển NNHC giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2030.

Nguồn: Internet

 Đến hết năm 2018 thì 8 tiêu chuẩn quốc gia đã được ban hành bao gồm: tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn trồng trọt, tiêu chuẩn về chăn nuôi, tiêu chuẩn về cây lúa, cây chè, tiêu chuẩn về tôm, về sữa. Đó là những tiêu chuẩn làm căn cứ để làm chứng nhận cũng như sản xuất. Ngoài ra còn có Nghị định 109/2018, ban hành ngày 29/8/2018, nhưng hiện nay vẫn đang chờ Thông tư hướng dẫn thực hiện. Điều này đồng nghĩa những người sản xuất, tiêu thụ sản phẩm NNHC vẫn phải chờ đợi. Khi Thông tư hướng dẫn ra đời sẽ quy định cơ quan nào của Bộ Nông nghiệp là cơ quan cho phép thành lập đơn vị chứng nhận chứ không phải Bộ Khoa học – Công nghệ như các tiêu chuẩn khác. Do chưa có đơn vị nào chứng nhận sản phẩm NNHC theo Nghị định 109/2018, gây trở ngại rất lớn đối với các nhà sản xuất, doanh nghiệp.

Tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã tham gia Hội nghị góp ý cho Đề án phát triển NNHC Việt Nam, mà lẽ ra theo văn bản Thủ tướng là đề án giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2030.Tôi tin chắc, Đề án phát triển trình Thủ tướng sẽ mở ra những hướng phát triển mạnh mẽ của NNHC từ nay đến 2025 với nhiều triển vọng tốt đối với người tiêu dùng Việt Nam về vấn dề bảo vệ sức khỏe, cũng như về vấn đề bảo vệ môi trường. Thời gian tới, để NNHC có chỗ đứng, cần sự vào cuộc đồng bộ cả của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người nông dân. Trong đó, cần tăng cường tuyên truyền, nhằm thay đổi thói quen sản xuất của người dân để thực hành theo phương pháp sản xuất hữu cơ, cũng như thói quen lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng, tạo cơ hội thị trường cho các sản phẩm NNHC, từ đó, xây dựng mối liên kết chặt chẽ và bền vững giữa các thành phần tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ dựa trên cơ sở chuỗi giá trị.

Xin cám ơn ông!

Gia Gia (thực hiện)