Chứng khoán Việt Nam đang ngược chiều thế giới

00:00 12/10/2020

Lâu nay, có một quy luật “bất di, bất dịch” trên thị trường chứng khoán Việt Nam là các chỉ số chứng khoán thế giới có diễn biến thế nào thì thị trường trong nước sẽ có xu hướng vận động tương tự. Tuy nhiên, quy luật này dường như đã không còn đúng trong thời gian gần đây.

Sau quý II hồi phục mạnh mẽ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua tháng 7 và tháng 8 lặng lẽ hơn so với thế giới, đặc biệt là các chỉ số chứng khoán của Mỹ lần lượt tăng trưởng vượt đỉnh cao lịch sử trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19 thì Vn-Index vẫn thấp đáng kể hơn so với đầu năm.

Bước vào những phiên giao dịch của tháng 9, sau những phiên đầu tiên thuận chiều thì động thái sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ trong những phiên giao dịch gần đây đã không còn đặt áp lực nhiều lên thị trường chứng khoán trong nước.

Chuyển động ngược chiều

Ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung đang bị chi phối bởi một vài yếu tố chính là diễn biến dịch Covid-19, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, chính sách tiền tệ và tài khóa của mỗi nước và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây.

thi-truong-chung-khoan-viet-na-9885-8259

Trong khi nhiều chỉ số chứng khoán tại các nước phát triển lao dốc thì Vn-Index vẫn vững vàng với đà tăng.

Trong khi đó, diễn biến dịch Covid-19 tại Anh đang có những diễn biến mới khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Theo Reuters, chính phủ Anh đã phải đặt ra giờ giới nghiêm đối với các địa điểm, dịch vụ tiếp khách như quán bar, nhà hàng, cafe … để ứng phó với tình trạng ca nhiễm bệnh tăng mạnh trở lại.

Mức cảnh báo Covid-19 cũng đã chuyển từ Cấp độ 3 lên Cấp độ 4 sau khi dữ liệu cho thấy số trường hợp nhiễm bệnh đang tăng nhanh. Cấp độ 4 cho thấy tỷ lệ lây nhiễm virus ở mức cao hoặc tăng theo cấp số nhân.

Trong khi đó, diễn biến trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang có chiều hướng căng thẳng khi Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa đang bất đồng sâu sắc với Đảng Dân chủ liên quan tới việc đề cử người thay thế ghế Thẩm phán của bà Ginsburg (qua đời hôm 18/9). Điều này ảnh hưởng đến quá trình thỏa thuận gói giải cứu kinh tế mới của nước này.

Ảnh hưởng của những tin tức không mấy tích cực kể trên, thị trường chứng khoán Mỹ vừa có một phiên khởi đầu tuần mới (21/9) không mấy thuận lợi khi chỉ số Dow Jones giảm 510 điểm, tương đương 1,8; chỉ số S&P 500 giảm 1,2% trước sự lao dốc của nhóm cổ phiếu ngân hàng và hàng không, chỉ số Nasdaq Composite giảm nhẹ 0,1%.

Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của S&P 500 và phiên giảm sâu nhất trong những phiên giao dịch tháng 9 vừa qua của Dow Jones.Tính từ đầu tháng đến nay, S&P 500 đã sụt hơn 6%, Dow Jones và Nasdaq cũng mất lần lượt 4,5% và 8,5%.

Ở chiều ngược lại, thị trường chứng khoán Việt Nam lại đang có sự chuyển biến tích cực khi vượt mốc 900 điểm-ngưỡng cản gây khó khăn nhất trong nhiều tháng qua chứng tỏ tâm lý của các nhà đầu tư đã được cải thiện, tạo cơ sở để có những bứt phá mới. Tính chung từ đầu tháng 9 tới nay, chỉ số Vn-Index đã tăng gần 3%.

Nhìn vào diễn biến này có thể thấy, thị trường chứng khoán trong nước đã không còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đà lao dốc của các “ông lớn” thế giới. Bằng chứng là, trong các chỉ số kể trên chỉ có Vn-Index ghi nhận mức tăng trưởng trong thời gian qua.

Sức hấp dẫn của Việt Nam

Công nhận động thái sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ đã không đặt áp lực nhiều lên thị trường chứng khoán trong nước, ông Hoàng Công Tuấn- Giám đốc phân tích chứng koán MB (MBS) cho rằng, các nhà đầu tư hiện nay đã điềm tĩnh hơn rất nhiều, những tác động bên ngoài chỉ ở mức độ vừa phải hài hòa với thị trường Việt Nam.

Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Đặng Trần Phục –chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã ổn định hơn rất nhiều, ngay cả trong diễn biến tiêu cực của dịch bệnh thì dòng tiền đầu tư cũng không bị yếu đi mà còn trở nên mạnh mẽ hơn.

Điều này thể hiện qua việc dòng tiền của các “nhà đầu tư F0” đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng đỡ các chỉ số thị trường trong suốt giai đoạn từ đầu tháng 4 tới nay.

Không thể phủ nhận thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hỗ trợ lớn và hồi phục đáng kể từ đáy cuối tháng 3 khi nước ta kiểm soát khá tốt dịch bệnh, hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển Trung Quốc +1 và một số yếu tố thuận lợi khác khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở các năm tiếp theo là tương đối vững chắc, là điểm tựa cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn.

Hơn nữa, lợi thế của Việt Nam là trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng thì con số những ca mắc cũng như tử vong tại Việt Nam hiện nay là rất thấp. Trong khi đó, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 190.000 người Mỹ, hàng triệu người thất nghiệp, tăng trưởng GDP giảm kỷ lục. Diễn biến tương tự cũng diễn ra tại các nước châu Mỹ La Tinh,châu Âu...

Đáng chú ý, trong một báo cáo mới đây của quỹ AFC Vietnam Fund đã cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam bị định giá thấp hơn rõ rệt khi so sánh với các thị trường khác, đặc biệt là khi xem xét đến sự ổn định của VND so với USD, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 và dòng chảy không ngừng nghỉ của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Từ những yếu tố này có thể thấy, tâm lý của các nhà đầu tư trong nước đang được hỗ trợ khá lớn bởi những thông tin tích cực sẽ giúp các chỉ số vững vàng trước các biến động.

Minh Khuê