Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá!

00:00 12/10/2020

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, nhưng kinh tế của Việt Nam được dự báo vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá.

Kinh tế của Việt Nam được dự báo vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế thế giới đã có nhiều biến động trong tháng 8/2018 bởi mối quan hệ căng thẳng giữa các nước lớn trong việc xác định vị thế mới của các nước này trong bối cảnh mới, như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và các nước đồng minh, giữa Mỹ và Nga… đã làm dấy lên những lo ngại đối với đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Ngày 23/8/2018, Mỹ áp mức thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Sau hai ngày đàm phán (ngày 22- 23/8), Mỹ và Trung Quốc đều không đạt được thỏa thuận nào giúp chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giá cả hàng hóa thế giới diễn biến phức tạp theo tình hình của cuộc chiến tranh thương mại và cuộc khủng hoảng tài chính tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ảnh minh họa

Mặc dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế của Việt Nam được dự báo vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá. 

Theo đó, ngày 21/8/2018, Moody’s đã đánh giá Việt Nam nhiều khả năng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,4% trong giai đoạn 2018-2022, giúp ổn định tình hình nợ công của Việt Nam, năng lực cạnh tranh được cải thiện, dòng chảy thương mại lành mạnh và tiêu dùng trong nước ở mức cao.

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý III và cả năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng trưởng thương mại toàn cầu, từ tiến trình xúc tiến đàm phán các FTA.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến căng thẳng thương mại Trung - Mỹ

Mặc dù kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn tăng trưởng khá, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm vẫn còn hết sức nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nỗ lực, tập trung chỉ đạo thực hiện.

Theo đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến căng thẳng thương mại Trung - Mỹ và động thái của các đối tác thương mại và đầu tư chính. Nghiên cứu, đánh giá tác động và khả năng ứng phó của Việt Nam. Có biện pháp ngăn chặn gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc.

Đối với lạm phát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để bình ổn giá cả thị trường những tháng còn lại của năm 2018 cần theo dõi diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, xử lý các vấn đề phát sinh khi thị trường có biến động bất thường. Đồng thời, một số hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, nhất là giá dầu thô đang diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, chủ động công tác truyền thông để không gây tâm lý kỳ vọng lạm phát, bất ổn trên thị trường ngoại hối. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Tiếp tục thông tin định kỳ với thị trường về công tác điều hành tỷ giá.

Thực hiện nghiêm kỷ luật chi Ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh các giải pháp nhằm giảm bội chi ngân sách, tăng thu ngân sách qua chống thất thu thuế, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần tiếp tục ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bám sát diễn biến thời tiết để kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ở những vùng thường xuyên bị thiên tai như Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng xuất khẩu. Tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu đặc biệt là nông sản, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới.

Ngoài ra, tăng cường và đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra thị trường; chủ động phòng chống, phát hiện và xử lý nghiêm nạn buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả, đảm bảo ổn định thị trường.

Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của Chỉnh phủ triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Xây dựng và sớm thành lập “Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia”; phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam. Tiếp tục thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại  văn bản số 7518/VPCP-KTTH ngày 7/8/2018 và số 6609/PCP-KTTH  ngày 13/7/2018; rà soát tiến độ giải ngân của các dự án, nhất là các dự án ODA, thực hiện công tác điều hòa, điều chỉnh để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công đã được giao kế hoạch. Triển khai công tác xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và Kế hoạch đầu tư công năm 2019 của ngành mình, cấp mình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội theo đúng thời gian quy định.

Minh Ngọc