Các chuyên gia, doanh nghiệp nói gì về “Made in Vietnam?

00:00 12/10/2020

Từ sau những sự vụ trấn động dư luận về "Made in Vietnam" đang đặt ra bài toán cần có lời giải để người tiêu dùng không phải “sống chung” với ma trận hàng hóa “Made in Vietnam” cũng như không gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Để phân tích bài toán này, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã phỏng vấn các chuyên gia kinh tế, luật sư, doanh nghiệp...

Chuyên gia tài chính – TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cần cơ quan pháp luật tham gia xử lý vi phạm

Thực trạng vi phạm nhãn mác xuất xứ hàng hóa Việt Nam đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt nếu Chính phủ không có những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, nhiều hàng hóa Trung Quốc lợi dụng dán mác Việt Nam để đưa vào Mỹ, tránh thuế nhập khẩu mà Mỹ áp dụng đối với hàng Trung Quốc. Và khi đã bị Mỹ coi là trạm trung chuyển đưa hàng Trung Quốc đội lốt Made in Vietnam trốn thuế vào Mỹ, thì đây sẽ là vấn đề phức tạp và nghiêm trọng hơn nhiều, từ đó Mỹ có thể sẽ áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn quan hệ ngoại thương giữa hai nước, chắc chắn chúng ta sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Đó là đối với thị trường quốc tế, còn với thị trường trong nước, việc vi phạm nhãn mác xuất xứ hàng hóa có thể gây tổn hại lớn đến thị trường, hàng hóa không chính danh, không rõ xuất xứ, hàng nội địa bị đánh tráo, người tiêu dùng bị ảnh hưởng trực tiếp, không thể phân biệt hàng chất lượng, hàng thật, hàng giả.

Thông tư Dự thảo của Bộ Công Thương quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là hoàn toàn cần thiết, tuy nhiên theo tôi vẫn chưa phải đầy đủ để có thể giải quyết triệt để vấn đề. Để giải quyết tận gốc, ngăn chặn vi phạm thì không thể chỉ thực hiện bằng những quyết định hành chính mà quan trọng là việc chúng ta hành động giải quyết vấn đề đó như thế nào. Nếu không có một cơ quan giám sát việc tuân thủ thực hiện và có những biện pháp quy định rõ ràng để xử lý thì chắc chắn vấn đề vẫn còn tồn tại.

Tôi đưa ra ba đề xuất đóng góp thêm giải quyết vấn đề này: Trước nhất, chúng ta có những cơ quan thanh tra, kiểm tra các cấp, những cơ quan này cần có những chương trình rà soát, kiểm tra hàng hóa sản xuất nội địa, những công việc này cần được thực hiện nghiêm chỉnh và giám sát chặt chẽ. Thứ hai, chúng ta phải sử dụng đến những cơ quan pháp luật, tòa án tham gia xử lý vấn đề này, trong trường hợp nghiêm trọng liên quan đến vấn đề lừa đảo có thể phải xử lý hình sự. Và cuối cùng là công khai toàn bộ những thông tin vi phạm của doanh nghiệp để người dân, người tiêu dùng được biết để cùng tham gia ngăn chặn, bảo vệ một thị trường cạnh tranh lành mạnh, trong sạch.

Ngoài những vấn đề trên, với nhiều năm làm việc ở nước ngoài, khi nhìn nhận về doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, tôi nhận thấy tinh thần đạo đức kinh doanh không thật sự được coi trọng. Mỗi đạo luật, quy định mới được đưa ra thì doanh nghiệp sẽ cố gắng tìm những kẽ hở để lách qua. Điều này đối với doanh nghiệp Mỹ và phương Tây thì hoàn toàn không có, tất cả mọi người khi tham gia thị trường đều tuân thủ luật pháp sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh công bằng, còn nếu có những người tìm cách lách luật sẽ tạo ra một sân chơi không công bằng, phi kinh tế thị trường.

Nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể đi lên, phát triển ổn định bền vững, nếu như vấn đề đạo đức kinh doanh được toàn bộ nền kinh tế quan tâm thực thi nghiêm.

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang: Đang có sự nhầm lẫn về thương hiệu và sản xuất

Việc vi phạm xuất xứ hàng hóa trên thế giới và Việt Nam đều được quan tâm và phản ánh rõ ràng, tuy nhiên vấn đề là cơ quan quản lý không xử lý nghiêm, xử lý đúng, còn tồn tại sự bất cập trong công tác quản lý, công tác thực thi pháp luật. Bản chất cạnh tranh và kinh doanh lành mạnh là người kinh doanh có thể làm những gì nhà nước không cấm. Cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, thương hiệu là một điều cực kỳ tốt, cạnh tranh đúng nghĩa giúp làm ra những sản phẩm với giá rẻ hơn và tốt hơn, còn cạnh tranh méo mó, là sai luật là gian lận thương mại.

Việc gian lận thương mại, xuất xứ hàng hoá khiến người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng hoặc không, ví dụ như vệ sinh an toàn thực phẩm nếu có gian lận thì ảnh hưởng vô cùng lớn, nhưng cũng có những mặt hàng người tiêu dùng còn được lợi về giá cả, nhưng cái lợi đó chỉ là ngắn hạn. Khi phân tích về những trường hợp gian lận thương hiệu, phải đứng trên phương diện trung lập, khách quan, mới có thể rõ ràng đúng sai. Ví dụ, đối với trường hợp Asanzo, người tiêu dùng có cơ hội được sử dụng hàng điện tử rẻ, Asanzo bán hàng giá rẻ cho vùng sâu vùng xa thì đó là việc tốt, đấy là thuần túy về người tiêu dùng, nhưng về vấn đề quản lý nhà nước và xuất xứ thì không. Hiện nay đang có sự nhầm lẫn giữa thương hiệu và sản xuất; sản xuất là phương tiện, còn cái bất biến, giá trị lâu dài của doanh nghiệp chính là thương hiệu. Nếu vấn đề sản xuất của doanh nghiệp có vấn đề, phát hiện sai phạm thì cần xử lý, nhưng nếu hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chưa có quy định như thế nào là sai phạm thì không thể nói doanh nghiệp đó sai phạm được.

Về Dự thảo Thông tư Bộ Công Thương mới đưa ra gần đây, theo tôi cần phải xem xét kỹ hơn, ví dụ dự thảo đưa ra con số 30% là Made in Viet Nam vậy 29% thì sao. Ngay trong ngành Ô-tô quy định áp thuế nội khối ASEAN hiện tại là 40% nội địa hoá. Chính sách quản lý xuất xứ là một chính sách đa dạng và uyển chuyển. Để giải quyết vấn đề, trước tiên Bộ Công Thương cần mời những chuyên gia tư vấn, tham khảo, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhiều bên. Tiếp đến, việc quản lý quy định cần phải theo mỗi category - chủng loại sản phẩm (tỷ lệ % tuỳ theo chủng loại mặt hàng), học hỏi hàng rào kỹ thuật các nước phát triển, nhất là Mỹ, phân tích rõ lợi ích thiệt hại sau khi đưa ra quy định.

Những năm thập niên 60, 70 thì quy định xuất xứ hàng hóa “Made in…” mới có giá trị tuyệt đối, nhưng bây giờ thế giới đã toàn cầu hóa, một sản phẩm được làm ra bằng chuỗi giá trị toàn cầu, thành ra công đoạn cuối, quốc gia nào đóng gói hoàn thiện sản phẩm cuối cùng thì người ta ghi ở đó. Nhưng đây cũng là tương đối, nếu xuất qua nước thứ ba, họ không đồng ý thì đó là quyền của người mua, có những sản phẩm giá trị sản xuất theo quy định bằng không, nhưng giá trị thương mại, thương hiệu vẫn rất lớn, nhờ vào danh tiếng, chế độ bảo hành hậu mãi, hệ thống phân phối. Cuối cùng, tùy theo đặc thù doanh nghiệp, đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp còn khó khăn thì quy định yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa quá cao sẽ gây cản trở việc phát triển, xây dựng thương hiệu, chính vì vậy, Bộ Công Thương cần xây dựng lộ trình quy định hàm lượng nội địa hóa sản phẩm theo thời gian. Đôi khi, có những chính sách đưa ra nếu không cẩn thận sẽ là “tự lấy đá ghè chân mình”.

Luật sư Vũ Văn Mộc - Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Đỗ (Tổ hợp Luật sư đa quốc gia Nguyễn Đỗ): Mức xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe

Nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển, nhiều sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng khẳng định được chất lượng, tạo được uy tín và niềm tin cho người tiêu dùng trong nước và trên thế giới. Một số mặt hàng trước đây được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng nhập khẩu từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc dần được thay thế bằng hàng trong nước. Xuất phát từ thực tế này mà thời gian qua có một số thương nhân nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài nhưng lại ghi nhãn xuất xứ hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” hay “Made in Vietnam”. Đây là hiện tượng gian lận thương mại, không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, đánh lừa người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín và tính cạnh tranh lành mạnh của hàng sản xuất tại Việt Nam, ảnh hưởng lớn tới nền sản xuất trong nước.

Với hành vi gian lận thương mại, ngoài việc tiêu thụ được nhiều hàng hóa, vì người tiêu dùng lầm tưởng là hàng Việt Nam chất lượng cao, còn đem lại cho nhà sản xuất, kinh doanh một số lợi thế khác như được hưởng ưu đãi thuế quan hoặc phi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường mà Việt Nam có cam kết quốc tế theo các Hiệp định Thương mại tự do hoặc để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại trong nước.

Sở dĩ có tình trạng vi phạm nhưng chưa xử lý được dứt điểm, vì Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các văn bản pháp luật hiện hành như Luật Sở hữu trí tuệ năm 2013; Nghị định số 103/2006/NĐ-CP; Nghị định số 43/2017/NĐ-CP; Nghị định số 31/2018/NĐ-CP … chủ yếu là điều chỉnh về nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu. Đây là kẽ hở trong vấn đề quản lý nhà nước để gian thương lợi dụng.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh của hàng sản xuất tại Việt Nam, trong một số văn bản pháp luật của Nhà nước như Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật Thương mại năm 2005; Nghị định số 31 năm 2018 quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu; Nghị định Số: 185/2013/NĐ-CP qui định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… hoặc BLHS/2015 “sửa đổi” (Điều 192. tội sản xuất, buôn bán hàng giả… Điều 226, tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp) đã có những qui định xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về các hành vi vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, nhãn mác hàng hóa. Tuy nhiên, các mức xử phạt hành chính hoặc các chế tài hình sự được qui định trong các văn bản nêu trên còn quá nhẹ. Hình phạt nặng nhất được qui định tại khoản 2 Điều 226 BLHS/2015 như sau: Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý… thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…

Tại một số nước, mức xử phạt hành vi vi phạm qui định về xuất xứ hàng hóa rất nghiêm khắc, có thể phạt tiền đến 100 nghìn Euro (tương đương trên 5 tỉ đồng- Italy) hoặc phạt tù đến 14 năm (Canada)…Do đó, Việt Nam cần qui định mức xử phạt nghiêm khắc hơn nữa mới đủ tác dụng răn đe và phòng ngừa đối với các hành vi gian lận thương mại.

Doanh nhân Nguyễn Trọng Phi - Chủ tịch HĐQT Giovanni Group: “Made in Vietnam” không chỉ là hàng sản xuất tại Việt Nam

Bản chất hàng Việt Nam phải đi theo xu hướng cách mạng 4.0. Hàng Việt Nam cũng song hành với 4 lớp phát triển của thị trường của người Việt trong suốt 100 năm qua. Từ thời kì 1.0, có thể hiểu là hàng hoá Việt Nam tồn tại dưới dạng nguyên thủy nhất, cứ những thứ sinh ra trên đất nước Việt Nam được làm từ nguyên liệu, vật liệu, khai thác, sản sinh từ lãnh thổ Việt Nam thì đó là hàng Việt Nam. Đến thời kì 2.0, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa thông thương với thế giới thì lúc này hàng Việt Nam đồng nghĩa với hàng nội địa. Nếu chúng ta so sánh với hàng loạt các hàng hóa đang dồn dập vào thị trường Việt Nam thời kỳ này mà chủ yếu là hàng ngoại, hàng secondhand, hàng buôn lậu qua biên giới từ Thái Lan hay hàng sida từ các nước châu Âu thì trong con mắt người Việt lúc này hàng Việt Nam có phẩm chất rất kém, mẫu mã xấu, được sản xuất bằng dây truyền lạc hậu.

Thời kỳ 3.0 là thời kỳ mở cửa thì hàng Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, trong 20 -30 năm trở lại đây. Lúc này hàng Việt Nam bắt đầu ra nước ngoài. Những người Việt ra nước ngoài du lịch, mua sắm hay kinh doanh hàng xách tay rất ngỡ ngàng với các sản phẩm ngoại nằm ở thị trường cách Việt Nam rất xa như Mỹ đã có những sản phẩm “Made in Vietnam”. Vì vậy, họ nhận ra rằng “Made in Vietnam” không phải hàng kém nhưng là hàng hoá sản xuất ở Việt Nam, còn dây truyền công nghệ, chất xám, quản lý thì hoàn toàn của những công ty nước ngoài. Hàng hóa “Made in Vietnam” lúc này hoàn toàn không dành cho người Việt mà chủ yếu dành cho xuất khẩu.

Hiện nay, thời kỳ 4.0, hàng Việt Nam được hình thành, tính cách, phẩm chất và đặc tính rõ rệt nhất khi thời đại thế giới phẳng đã diễn ra chục năm. Việt Nam là một nước hỗ trợ rất sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Lúc này người Việt Nam nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để làm cho các sản phẩm “Made in Vietnam” có một vị trí khác. Nếu như ngày xưa làm ra tại Việt Nam thì thời đại 4.0, hàng Việt Nam có nghĩa là do chính khối óc người Việt mang về gía trị cho thị trường Việt Nam.

 Chúng ta có nói tới người Việt Nam sở hữu các thương hiệu quốc tế, tức là một thương hiệu biết sử dụng lợi ích của toàn cầu hóa để đem về kiến thức, công nghệ sản xuất từ khâu thiết kế, nhập khẩu máy móc, nguyên, phụ liệu sản xuất ra có thể trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng cuối cùng là phục vụ cho người Việt. Dưới góc nhìn của Giovanni thời 4.0 là ở cấp độ cao nhất khi hàng Việt Nam là hàng hóa được làm ra bằng khối óc, chất xám người Việt nhưng sử dụng, tận dụng tất cả giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu, khái niệm hàng Việt Nam lúc này cũng thay đổi hoàn toàn. Hàng Việt Nam không chỉ đơn thuần là hàng chỉ sản xuất tại Việt Nam mà còn từ khâu sáng tạo, thiết kế đến việc tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu toàn cầu...

Doanh nhân Đỗ Thị Phương Lê - Phó tổng Giám đốc Công ty CP Sumi Vico Thủ Đô: Vi phạm nhãn mác, nhãn hiệu gây ảnh lớn tới các DN làm ăn chân chính

Hiện nay, hàng Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những hành vi gian lận của một số doanh nghiệp tác động tiêu cực đến uy tín của sản phẩm, thương hiệu Việt và có thể gọi đó là vấn nạn với doanh nghiệp trong quảng bá thương hiệu của mình. Bởi nếu chúng ta không xác định được thương hiệu thì sẽ rất nguy hiểm. Việc xác định các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá của doanh nghiệp sẽ góp phần tiến tới nhà nước pháp quyền và mọi người dân được làm theo đúng luật pháp, đồng thời tạo môi trường lành mạnh và bảo vệ nền kinh tế đất nước.

Thực tế, vấn nạn vi phạm nhãn mác, nhãn hiệu hàng hóa ngày một gia tăng, diễn ra phức tạp và tinh vi, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của Việt Nam, cần phải giải quyết ngay. Vấn nạn này đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính bởi những doanh nghiệp đó phải đầu tư rất nhiều cho công nghệ, nhân lực,… trong khi hàng hóa làm giả thì giá thành rẻ hơn do mức độ đầu tư ít.

 Việc bảo vệ thương hiệu, đấu tranh với những vụ việc vi phạm nhãn mác, nhãn hiệu không chỉ vì sự sống còn của doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp với người dùng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Theo tôi, để hạn chế tình trạng vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, cần phải nâng cao nhận thức từ cơ quan chức năng, doanh nghiệp tới người dân. Nếu không làm tốt vấn đề nhận thức thì có dùng giải pháp gì cũng khó có khả thi. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm nếu có sai phạm, đồng thời cần làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể đối với tổ chức, cá nhân liên quan khi để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng, nhằm bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp nói riêng và người tiêu dùng nói chung. Hơn nữa, pháp luật cần đưa ra những quy định rõ ràng về cách thức gắn nhãn mác sản phẩm đối với từng đối tương cụ thể để tránh tạo ra những kẽ hở.

N.Thái – Thu Giang