Bình Dương: Vì sao Đề án nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng chưa được thông qua?

00:00 12/10/2020

Thông tin Đề án nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng vẫn chưa được UBND tỉnh Bình Dương thông qua để trình lên kỳ họp Hội đồng Nhân dân sắp tới khiến nhiều chủ doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách công cộng và hành khách tiếp tục phải chờ đợi.

So với yêu cầu trước đó của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm về ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương tiện, phù hợp với đặc điểm xây dựng và phát triển của tỉnh Bình Dương văn minh – hiện đại, thì đề án lần này vẫn còn khâu trung gian với một số hoạt động thủ công trong quản lý vận hành nên khó thuyết phục được Hội đồng thẩm định, nhất là yêu cầu minh bạch trong thực thi pháp luật và thực hiện sách công. 

Đúng như diễn giải của lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải về những khó khăn của hoạt động vận tải hành khách công cộng thời gian qua: “Phương tiện vận tải hành khách công cộng (xe buýt) đã gần hết niên hạn sử dụng, xuống cấp, không bảo đảm an toàn; chất lượng hoạt động, chất lượng dịch vụ thấp nhưng giá thành (giá vé) lại cao từ 2 đến 6 lần so với các thành phố lớn cả nước là Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Do các doanh nghiệp, hợp tác xã phải tự chủ về kinh phí vì không còn được trợ giá. Từ thực tế đó đã có nhiều chủ doanh nghiệp, hợp tác xã nộp đơn xin dừng hoạt động, trả tuyến”!


 Xe buýt truyền thống đã gần hết niên hạn sử dụng, nóng, không ổn định thời gian lại giá cao nên không thu hút được hành khách tham gia.

So với nội dung đề án được trình cách nay 1 năm thì các lý do làm tăng giá vé vẫn không khác trước. Ông Nguyễn Tầm Dương, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh cho biết: “Doanh nghiệp phải tự chủ kinh phí dẫn đến hình thành giá vé cao là đúng. Nhưng nguyên nhân giá vé cao khiến lượng hành khách giảm, theo tôi là chưa có cơ sở vững chắc. Điều này có thể tham khảo ngay tại tuyến xe buýt Becamex Tokyu. Tuyến này có chất lượng phục vụ, chất lượng hoạt động cao, nhưng giá vé không cao, mà sao vẫn chưa có đông khách? Trên tinh thần ưu tiên dùng ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động công ích thì các hạng mục đầu tư, hỗ trợ phải hướng đến nâng cao chất lượng, giảm giá thành để công chúng, cộng đồng cùng được hưởng lợi thông qua các hoạt động công ích đó”.
Thay mặt cơ quan soạn thảo đề án, ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải giải trình: "So với đề án trước, lần này chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ và loại bỏ rất nhiều ưu đãi đối với đối tượng được ưu tiên như: Trước đây quy định người tàn tật được miễn phí thì nay quy định lại người tàn tật nặng mới được miễn phí. Và trợ giá trung bình 5.000 đồng/vé đối với các tuyến mở mới nhằm khuyến khích hành khách sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Các hạng mục, đối tượng được ưu tiên, hỗ trợ đều có và đều đúng với các căn cứ pháp lý. Chúng tôi đang nghiên cứu phương thức in vé sao cho phù hợp và chưa áp dụng hình thức bán vé tự động do quá tốn kém. Vì đây là lĩnh vực khó quản lý, nhưng do yêu cầu bức thiết chúng ta phải triển khai và nhà nước sẽ thu hồi lại vốn sau thời gian hoạt động. Việc hiện đại hóa, số hóa đề án sẽ được thực hiện theo lộ trình".


Yêu cầu của UBND tỉnh là ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý, vận hành nhằm bảo đảm tính minh bạch, tiết kiệm nguồn nhân lực, không còn khâu trung gian và hành khách dễ dàng sử dụng thiết bị di động cá nhân thông minh để tìm kiếm (đón xe).

Chưa hài lòng với lập luận trên, Phó Chủ tịch Thường trực Mai Hùng Dũng phát biểu: “Giờ này không nên ngồi tính cách in vé trong khi Bình Dương đang xây dựng thành phố thông minh. Với thiết bị thông minh người ta có thể kiểm soát, quản lý và tìm kiếm, kết nối với rất nhiều thứ xung quanh mình. Vì vậy đề án cần phải hiện đại hóa mạnh mẽ hơn nữa, ứng dụng nhiều hơn nữa công nghệ thông tin vào trong quản lý, điều hành để bảo đảm tính an toàn, minh mạch và được triển khai theo lộ trình phù hợp với xu thế phát triển”.

Tính hiệu quả, chất lượng trong xây dựng chính sách

Là đại diện cơ quan có thẩn quyền biểu quyết chi hoặc không chi ngân sách để đầu tư cho các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Nguyễn Tầm Dương tiếp tục phát biểu lần thứ hai và xin bảo lưu ý kiến: “Giá vé tăng chưa phải là nguyên nhân khiến hành khách đi xe buýt giảm! Qua đó cần quan tâm nghiên cứu đến chất lượng hoạt động, chất lượng dịch vụ, cách bố trí luồng tuyến sao cho phù hợp với yêu cầu sử dụng của người dân và tính kết nối giữa các tuyến với nhau trong đô thị”.
Góp phần làm sáng tỏ hơn ý kiến trên, cùng nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xây dựng và thực hiện chính sách, ông Hà Văn Út, Giám đốc Sở Tài chính góp ý: “Đề án lần này có tính phát huy hiệu quả các quy định pháp lý và có sự phối hợp giữa Sở Giao thông Vận tải với các sở ban ngành liên quan. Tuy nhiên việc xác định giá vé cao làm giảm lượng hành khách là chưa sát với thực tiễn”.


Sinh viên, học sinh, cán bộ viên chức, người lao động là mục tiêu hướng đến của vận tải hành khách công cộng góp phần giảm áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ.

Ông Út trực tiếp nêu ra những yếu tố cơ bản trực tiếp ảnh hưởng đến sự lựa chọn của hành khách là: Hạ tầng chưa hòa thiện, chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng phương tiện, dịch vụ. Cụ thể là việc tìm kiếm, đón xe chưa hướng đến số đông, đề án chưa ứng dụng công nghệ cao để tìm kiếm kết nối, quản lý. Trong khi hiện tại đã có trên 80% người sử dụng điện thoại đã sử dụng thiết bị thông minh. Do chưa ứng dụng công nghệ cao trong quản lý nên sẽ khó kiểm soát chất lượng dịch vụ từ lái xe đến nhân viên bán vé, nhân viên phục vụ. Hướng tuyến, giờ giấc chưa phù hợp với nhu cầu của người sử dụng dịch vụ. Đồng thời đề ra một số giải pháp cơ bản như: Phải tổ chức nghiên cứu, thăm dò trước khi xây dựng, hình thành tuyến mới. Việc này phải được thực hiện thường xuyên và phải có cơ sở dữ liệu để so sánh. Các tuyến hình thành phải bảo đảm chạy đúng giờ, đúng tuyến, đúng chất lượng.
Bên cạnh nguyên nhân và các nhóm giải pháp, ông Út còn chỉ ra nhóm khách hàng mục tiêu sẽ sử dụng phương tiện hành khách công cộng và góp phần giảm phương tiện cá nhân lên hệ thống giao thông công cộng là: “Ngoài các đối tượng ưu tiên như người cao tuổi, người có công, người tàn tật nặng, đề án cần tập trung ưu tiên phục vụ học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, người lao động. Bởi vì đây là lực lượng có nhu cầu đi lại thường xuyên cao, cần được trợ giá. Nếu thu hút được nhóm đối tượng này sẽ gián tiếp kéo giảm một lượng lớn phương tiện cá nhân, phương tiện công cộng đưa rước vừa góp phần tiết kiệm chi phí đi lại của xã hội vừa bảo đảm an toàn vừa góp phần làm giảm áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ đang ngày một quá tải”.
Nội dung trao đổi, tranh luận trên cho thấy tầm nhìn, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý được phát huy tối đa nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách thể hiện rỏ trong việc nâng cao chất lượng và tính hiệu quả trong xây dựng chính sách, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó cơ quan được giao soạn thảo, xây dựng chính sách càng tự tin hơn trong việc phối hợp, đề xuất sử dụng vốn ngân sách cho các vấn đề xã hội một cách khoa học, hiệu quả và minh bạch.

Trần Gừng

Kì 2: Hiện đại hóa là bài toán không khó, ít tốn kém và minh bạch