Ẩn họa khi gỗ xuất sang Mỹ tăng đột biến

00:00 12/10/2020

Xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ năm 2017 chỉ đạt 387 triệu USD, năm 2018 tăng lên 632 triệu USD và đến hết 7 tháng đầu năm 2019 đã đạt 368 triệu USD. Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng lớn trong ngành gỗ có thể dẫn đến Chính phủ Mỹ áp đặt chính sách thương mại công bằng, ảnh hưởng tới ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Đáng lẽ đây phải là thông tin đáng vui mừng nhưng trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung leo thang, có khi lại là “ẩn họa” với ngành gỗ Việt Nam.

Nguy cơ hàng Trung Quốc “đội lốt”

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết giá trị xuất khẩu (XK) gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 9 ước đạt 842 triệu USD, lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc duy trì vị trí 4 thị trường nhập khẩu (NK) gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019. Giá trị XK sang 4 thị trường này đạt 5,34 tỷ USD, tương đương 80,7% tổng giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ.

Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết nhiều nghiên cứu đã cảnh báo các rủi ro cho các ngành sản xuất XK của Việt Nam, đặc biệt là ngành gỗ với một số bằng chứng về gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc được XK vào thị trường Mỹ qua con đường khác nhằm né thuế, nhất là các sản phẩm gỗ dán mã HS 4412.

Nếu như XK gỗ dán từ Việt Nam sang Mỹ chỉ là 53 triệu USD vào năm 2010 thì đến năm 2017 đã lên tới 387 triệu USD, năm 2018 là 632 triệu USD và đến hết 7 tháng đầu năm 2019 đạt 368 triệu USD.

Điều này dẫn đến những quan ngại Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm gỗ dán của Việt Nam cũng như nguy cơ Trung Quốc “mượn” nguồn gốc xuất xứ của Việt Nam để XK sang Mỹ. Trong 8 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc là thị trường NK gỗ lớn nhất của Việt Nam với 21,8% thị phần.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, gỗ dán đang là mặt hàng bị nghi ngờ có hành vi gian lận thương mại khi XK sang Mỹ, bởi con số XK ván dán của Việt Nam sang Mỹ tăng một cách đột biến. Vì vậy, cơ quan quản lý cần quan tâm và có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đến quá trình sản xuất, chế biến và XK mặt hàng ván dán từ Việt Nam vào Mỹ.

Trước đó, trong danh sách 13 mặt hàng XK sang các thị trường Mỹ, EU, Canada có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế, Bộ Công Thương đã đưa mặt hàng gỗ dán ở mức cảnh báo cao nhất về nguy cơ gian lận xuất xứ.

Đề xuất cấm XK nếu phát hiện có hành vi gian lận thương mại trong ngành gỗ

Cấm xuất khẩu nếu phát hiện gian lận

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho rằng dù Việt Nam đang tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhưng ngành gỗ có thể sẽ đối mặt với một số khó khăn như việc kiểm soát chất lượng của các dự án FDI, nguy cơ về tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường.

Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng lớn trong ngành gỗ có thể dẫn đến Chính phủ Mỹ áp đặt chính sách thương mại công bằng, ảnh hưởng tới ngành công nghiệp chế biến gỗ XK của Việt Nam.

Thậm chí, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, chia sẻ có lẽ trong bối cảnh này, các DN trong ngành gỗ nên chấp nhận thực tế sẽ phải kiềm chế tăng trưởng. Nếu tăng trưởng càng nhanh thì nguy cơ lẩn tránh thương mại càng lớn, rủi ro vô cùng, hậu quả rất lớn.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn yêu cầu phải đảm bảo minh bạch xuất xứ hàng hóa. Đây là việc không chỉ đáp ứng yêu cầu với Mỹ mà với tất cả các thị trường khác mà Việt Nam có quan hệ thương mại.

Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và các doanh nghiệp có XK gỗ dán tăng sẽ phải thực hiện việc giải trình và phải chịu việc tăng một số thủ tục hành chính. Nếu có tình trạng gian lận thương mại phải có biện pháp xử lý mạnh, thậm chí là cấm XK.

Thy Lê