Ám ảnh doanh nghiệp 'đểu'

00:00 12/10/2020

Có thể thời gian tới, cơ quan quản lý cần giám sát, kiểm tra kỹ lưỡng hơn trước tình trạng doanh nghiệp (DN) "đểu" có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ngay như trong kết quả kiểm tra của Tổng cục Hải quan tại công ty điện tử Asanzo và 58 DN liên quan đã cho thấy phần lớn là những DN bỏ trốn, không có thật.

Điều đáng lo ngại nhất là các công ty “đểu” hoặc các DN bỏ trốn thường có liên quan đến hành vi trốn thuế, nợ thuế, vi phạm về xuất nhập khẩu, lừa đảo hoặc tiếp tay cho hàng “chuyển tải”…

Địa chỉ “ma”, công ty “ma”

Như báo cáo gần đây của Cục Hải quan Tp.HCM về tình trạng một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, chủ DN bỏ trốn về nước sau khi để lại số nợ thuế “khủng”.

Có thể liệt kê một số DN FDI có số nợ thuế lớn thuộc dạng “khó tìm” ở Tp.HCM như: công ty TNHH Silver Star Việt Nam nợ hơn 47 tỷ đồng, công ty TNHH Neocacse Inc Việt Nam nợ gần 30 tỷ đồng, công ty Karos nợ gần 21 tỷ đồng, công ty TNHH Vina Haeng Woon Industry nợ hơn 21 tỷ đồng, công ty TNHH thời trang Sepplus Việt Nam nợ hơn 19 tỷ đồng…

Hoặc như hồi tháng 7/2019, Công an tỉnh Thanh Hoá khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Lê Tiến Mạnh (32 tuổi, trú tại thị trấn Tĩnh Gia, huyện Tĩnh Gia) đã thành lập 10 DN “ma” để mua bán hóa đơn thuế giá trị gia tăng trái phép.

Điều đáng nói, chỉ tính riêng trong 2 năm 2017 – 2018, đối tượng Mạnh đã mua bán hóa đơn đầu vào và bán trên 2.000 hóa đơn đầu ra với tổng số tiền hơn 440 tỷ đồng cho gần 400 DN ở 16 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tình trạng DN “đểu” còn được thấy rõ trong thông cáo báo chí của Tổng cục Hải quan phát đi ngày 5/9 về kết quả kiểm tra, xác minh tại CTCP Tập đoàn Asanzo và một số công ty có liên quan.

Theo đó, qua kiểm tra, xác minh 58 công ty (trong đó có 9 công ty mang tên “Asanzo”) có hoạt động mua bán linh kiện, hàng hóa với CTCP Tập đoàn Asanzo thì phát hiện có 14 công ty bỏ trốn, 4 công ty không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh, 7 công ty ngừng hoạt động, 1 công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Cần giám sát kỹ lưỡng DN “đểu” trong hoạt động xuất nhập khẩu

Tổng cục Hải quan cho biết qua thực tế kiểm tra có tình trạng công ty treo biển nhưng không có hoạt động, địa chỉ đăng ký kinh doanh không có thật. Một số công ty đã không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng trên Cổng thông tin chưa cập nhật thông tin. Có tình trạng qua xác minh chủ nhà khai không cho công ty thuê làm trụ sở nhưng trên giấy phép đăng ký kinh doanh vẫn khai địa chỉ của họ.

Đơn cử như trường hợp công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu T.T (chuyên nhập khẩu mặt hàng Trung Quốc cho một hãng điện tử trong nước) đăng ký hoạt động tại khu phố Long Hòa, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 (Tp.HCM), thế nhưng khi xác minh địa chỉ này thì hoá ra là một địa chỉ “ma”.

Tiếp tay hàng “chuyển tải”

Điều đó cho thấy ngoài việc lập công ty “đểu” để mua bán hoá đơn, trốn thuế, còn có thể liên quan đến các hành vi mờ ám trong hoạt động xuất nhập khẩu và gian lận thương mại.

Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng trước nỗi lo hàng Trung Quốc “chuyển tải” về Việt Nam do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung rồi xuất khẩu sang quốc gia khác, hoặc là tình trạng hàng Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt, made in Vietnam để hòng tiêu thụ dễ dàng tại thị trường nội địa. Mà ở đó không thể nói là không có sự tiếp tay của DN “đểu” hoặc những DN có hoạt động không minh bạch.

Ts. Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) đã cảnh báo nếu như DN trong nước chỉ nhìn thấy mối lợi trước mắt mà quên đi những tai hại lâu dài thì cần phải chấm dứt các thực tiễn không tốt về chuyện tiếp tay “chuyển tải” hàng điện tử Trung Quốc hoặc là “đội lốt” hàng Việt.

Hơn nữa, luật pháp cần có thêm các biện pháp về thi hành và theo dõi giám sát đường đi của những DN có hành tung bí ẩn để đảm bảo quá trình hàng Trung Quốc “quá cảnh” Việt Nam không tạo ra những sự thay đổi đáng kể nhằm được phân loại thành hàng hoá khác, rồi từ đó được công nhận như là hàng có xuất xứ Việt Nam.

“Những chính sách đó, từ phía Chính phủ, từ phía các DN, cũng như từ phía hiệp hội là rất quan trọng để chúng ta không bị rơi vào tình cảnh lợi thì chưa thấy đâu mà hại thì đến trước mắt”, Ts. Vũ Thành Tự Anh chia sẻ.

Trong câu chuyện này, việc tuyên truyền vận động để DN làm ăn chân chính được cho là không bao giờ đủ. Theo Ts. Vũ Thành Tự Anh, đó mới chỉ là điều kiện cần, tức là cần phải có những cảnh báo để DN hiểu được là nếu thực hiện các hoạt động như thế thì không những họ bị thiệt mà nhiều DN khác cũng bị thiệt và ảnh hưởng chung đến nền kinh tế.

Nhưng như vậy cũng vẫn chưa đủ, bởi có những DN “đểu” có thể vì lợi ích riêng của mình trong ngắn hạn mà lấy đi lợi ích của những DN khác trong dài hạn.

Vấn đề này đòi hỏi bên cạnh việc tuyên truyền để hạn chế những DN “đểu” làm ăn bất chính thì điều quan trọng vẫn là ở khâu chính sách cần mạch lạc, có tính cưỡng chế thi hành. Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng hơn trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là khi có dấu hiệu đủ để nghi ngờ về đường đi của DN “đểu”.

Thế Vinh