![]() |
Từ ngày 18/2/2025, ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh |
Theo Quyết định 01/2025 ngày 3/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 về mức giá trị hàng hoá nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế, từ ngày 18/2/2025, các loại hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng khi gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Việc thay đổi chính sách được đưa ra trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh, làm tăng đáng kể số lượng hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ.
Thực tế, không chỉ tại Việt Nam, trên thế giới, có nhiều quốc gia đã loại bỏ chính sách miễn thuế giá trị gia tăng cho hàng nhập khẩu giá trị thấp. Điển hình, từ năm 2021, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã xóa bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với các lô hàng từ 22 Euro trở xuống.
Từ ngày 1/1/2021, Vương quốc Anh cũng bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có tổng giá trị từ 135 bảng Anh trở xuống. Hay Australia cũng bỏ quy định về miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa có giá trị từ 666 USD trở xuống. Tương tự, tại Singapore, từ ngày 1/1/2023 cũng bắt đầu bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa giá trị nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Hay với quốc gia cùng khu vực như Thái Lan, để đảm bảo thực hành thương mại công bằng, từ ngày 1/5/2024, Thái Lan cũng thu thuế giá trị gia tăng đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, không phân biệt giá trị.
Điều này cho thấy việc bãi bỏ miễn thuế với hàng hóa giá trị thấp đang là xu hướng chung trên toàn cầu. Và bắt đầu từ ngày 18/2/2024, tại Việt Nam, hàng nhập khẩu giá trị thấp, dưới 1 triệu đồng được gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, sẽ không còn được miễn thuế giá trị gia tăng. Đây là nội dung trong Quyết định số 01/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia Kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định: “Đối với doanh nghiệp trong nước, đây là một điều đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh. Và các doanh nghiệp trong nước có điều kiện chấn chỉnh lại và hạ thấp giá thành, từ đó cạnh tranh một cách bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu.
Còn đối với người tiêu dùng, chuyên gia cho rằng, về cơ bản họ giữ nguyên hoặc có thể chịu thuế cao hơn. Trong thực tế, khi không đóng thuế nhập khẩu, không đóng thuế VAT, người bán vẫn bán theo giá bình thường mà họ vẫn bán trước đây. Cũng có thể có một số doanh nghiệp nước ngoài khi nhập và bán, họ có giảm trừ thuế, trong trường hợp như vậy, thuế có thể làm cho giá trị hàng hóa nhập khẩu cao hơn bình thường.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, hiện nay, việc triển khai thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp đặt ra nhiều thách thức, như hệ thống khai báo hải quan và các quy trình liên quan chưa được thiết kế để xử lý việc thu thuế này một cách hiệu quả. Năm 2024, mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đối mặt với nhiều thách thức song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, vượt mốc 25 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 và dự báo 2025 của Metric cho thấy, năm 2024 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của hàng nhập khẩu với hơn 324,1 triệu sản phẩm được đưa vào Việt Nam, tạo ra 14.200 tỷ đồng doanh số, mức tăng trưởng lần lượt 37,9% và 42,9% so với cùng kỳ. Năm 2024, phân khúc giá rẻ thấp hơn 200.000 đồng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh cả về doanh số và thị phần, tăng khoảng 3,7% thị phần.
Việc kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá nhập khẩu trị giá thấp được thực hiện theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Việc khai báo sẽ được thực hiện thông qua hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS) đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường không và đường biển; qua tờ khai giấy đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ và đường sắt.
Cơ quan hải quan sẽ căn cứ vào tờ khai hải quan và bảng kê chi tiết của doanh nghiệp chuyển phát nhanh để xác định số thuế phải nộp. Tuy nhiên, hiện hệ thống VNACCS chưa có chức năng tự động tính thuế GTGT đối với hàng giá trị thấp.
Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu bổ sung các chức năng tiếp nhận, tính thuế đối với tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu trị giá thấp. Trước mắt, doanh nghiệp chuyển phát nhanh tự tính thuế giá trị gia tăng theo bảng kê chi tiết hàng hóa và nộp thuế theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan. Hải quan xác nhận thuế bằng phương thức thủ công trước khi nâng cấp hệ thống VNACCS.
Theo Tổng cục Hải quan, trong thời gian chờ nâng cấp hệ thống, người khai hải quan phải khai báo bổ sung một số thông tin trên tờ khai giấy và bảng kê chi tiết hàng hóa phục vụ việc kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng. Với cơ quan hải quan, khối lượng công việc phát sinh lớn, cán bộ, công chức tiếp nhận đăng ký tờ khai, kiểm tra, xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế theo phương thức thủ công. Tổng cục Hải quan đã chuẩn bị nội dung, tài liệu, sẵn sàng hỗ trợ khi người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình nộp thuế.
Chính sách bãi bỏ miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng giá trị nhỏ nhằm bảo đảm phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế; bảo đảm phù hợp với xu hướng pháp luật và thông lệ quốc tế; đồng thời góp phần bổ sung nguồn lực ngân sách nhà nước, thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu.
Tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng qua dịch vụ chuyển phát nhanh năm 2023 (27,7 nghìn tỷ đồng), giả định sau khi bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg, các hàng hóa có trị giá nhỏ dưới 1 triệu đồng qua dịch vụ chuyển phát nhanh đều áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 10% thì số thu ngân sách nhà nước sẽ tăng khoảng 2,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, số tăng thu ngân sách nhà nước có thể thay đổi tùy thuộc vào tỷ trọng mức thuế suất thuế GTGT áp dụng là 5% hay 10%.