Sầu riêng "rớt chuẩn" xuất khẩu: Có nên đưa về tiêu thụ trong nước? |
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ trái cây lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng. Sau khi hai nước ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật, kỳ vọng lớn đã đặt vào việc sầu riêng Việt Nam sẽ thuận lợi "băng băng" vào thị trường tỷ dân, mang lại lợi nhuận cho cả doanh nghiệp lẫn người nông dân.
Thế nhưng, từ cuối năm 2024, phía Trung Quốc liên tục phát hiện tồn dư cadimi trong sầu riêng Việt Nam và Thái Lan, buộc mọi lô hàng xuất khẩu phải có chứng nhận kiểm nghiệm cadimi và chất vàng O. Nếu phát hiện vi phạm, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sẽ lập tức bị đình chỉ khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, xuất khẩu chững lại rõ rệt.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt kỷ lục 3,2 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2025, con số này chỉ đạt khoảng 130 triệu USD, tương đương 35.000 tấn, bằng chưa đầy 20% kế hoạch và chưa bằng 1/4 so với cùng kỳ năm 2024. Giá sầu riêng trong nước vì thế cũng sụt mạnh. Ngày 18/5, nhiều nhà vườn chỉ bán được với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, chưa bằng phân nửa giá cùng kỳ năm 2024.
![]() |
Xuất khẩu sầu riêng "chạy nước rút": Đẩy mạnh sản xuất sạch để giữ vững thị trường |
Nguyên nhân quan trọng khiến giá giảm là do nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã bị Trung Quốc thu hồi. Với sầu riêng, đã có khoảng 55 mã vùng trồng và 61 cơ sở đóng gói bị tạm ngưng xuất khẩu. Trong khi đó, tổng diện tích trồng sầu riêng của cả nước là 150.000 ha, nhưng chỉ khoảng 20% được cấp mã số. Năng lực sản xuất lớn nhưng lại chưa tương xứng với năng lực xuất khẩu.
Trong năm 2025, riêng các vùng miền Đông và Tây Nguyên dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 45.000 ha, tương đương hơn 500.000 tấn sầu riêng. Thời điểm thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 11 ở Tây Nguyên cũng là lợi thế của Việt Nam so với Thái Lan và Malaysia, bởi đó là mùa duy nhất thế giới có sầu riêng. Tuy nhiên, nếu quy trình kiểm tra chất lượng, nhất là các xét nghiệm cadimi và vàng O vẫn chậm trễ và tốn kém, cơ hội cũng sẽ bị bỏ lỡ.
Theo các chuyên gia, trước đây, mỗi xe hàng sầu riêng chỉ mất khoảng 20-30 triệu đồng cho chi phí xét nghiệm. Nay, nếu phải kiểm tra đầy đủ cả cadimi và vàng O, doanh nghiệp có thể phải chi đến 50-60 triệu đồng/xe, cao gấp nhiều lần so với Thái Lan. Không ít khách hàng nhập khẩu vì thế đã chuyển sang chọn sầu riêng Thái do lợi thế về chi phí và tốc độ kiểm định.
Từ nay đến tháng 9/2025, cả nước sẽ cần tiêu thụ khoảng 1,7 triệu tấn sầu riêng. Trong lúc Việt Nam vẫn loay hoay xử lý cảnh báo kỹ thuật, Thái Lan đã nhanh chóng thích ứng và được Trung Quốc “bật đèn xanh”. Trong 4 tháng đầu năm 2025, Thái Lan đã xuất khẩu tới 71.000 tấn, đạt giá trị 287 triệu USD, gấp đôi cả sản lượng lẫn kim ngạch của Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, điểm khác biệt là Thái Lan kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi sản xuất, từ vườn trồng đến kho bảo quản, trong khi Việt Nam chủ yếu mới truy xuất được đến khâu đóng gói. Nếu không có sự thay đổi toàn diện, sầu riêng Việt Nam sẽ dần đánh mất thị phần vào tay các đối thủ.
Thêm vào đó, Trung Quốc đã chính thức cho phép Campuchia xuất khẩu sầu riêng tươi từ cuối tháng 4/2025 sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình ký một thỏa thuận rộng hơn với các quan chức tại Phnom Penh. Indonesia đang hoàn tất hồ sơ và các doanh nghiệp Lào cũng rục rịch gia nhập thị trường béo bở này. Cạnh tranh chắc chắn sẽ ngày càng khốc liệt.
Hiện Thái Lan vẫn là nhà cung cấp lớn nhất, chiếm tới 57% tổng giá trị 6,99 tỷ USD sầu riêng Trung Quốc nhập khẩu năm 2024. Việt Nam xếp thứ hai với 38%, còn lại là Philippines, Malaysia và một phần nhỏ từ các nước khác. Nếu không hành động quyết liệt, thị phần 38% của Việt Nam có nguy cơ giảm sâu.
Với vai trò là một ngành hàng có giá trị cao, sầu riêng cần được đầu tư bài bản, từ quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển nhà máy đóng gói đạt chuẩn an toàn thực phẩm đến minh bạch hóa quy trình truy xuất nguồn gốc.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết sẽ triển khai kiểm soát chất lượng từ vùng trồng nhằm rút ngắn thời gian xử lý tại cửa khẩu. Đồng thời, kế hoạch tổ chức lấy mẫu diện rộng để đánh giá tình trạng nhiễm cadimi và vàng O cũng đang được xúc tiến. Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở cho từng địa phương, ví dụ như Đắk Lắk, cũng là bước đi cần thiết để kiểm soát chủ động và có chiều sâu.
Song song với đó, các phòng thí nghiệm kiểm nghiệm cần được mở rộng, tăng khả năng kết nối với doanh nghiệp và tránh độc quyền gây khó khăn. Việt Nam cũng đang nỗ lực mở rộng thị trường, đưa sầu riêng vào thêm 15 quốc gia, bao gồm cả dạng tươi và đông lạnh.