Sầu riêng “hụt hơi”, xuất khẩu rau quả Việt nguy cơ “lỡ hẹn” 8 tỷ USD |
Sầu riêng là “vua của các loại trái cây” giúp Việt Nam thu về hàng tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu. Tuy nhiên, khi các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, siết chặt tiêu chuẩn chất lượng, nhiều lô hàng đã bị trả về, thậm chí bị cảnh báo nhiễm kim loại nặng như Cadimi.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2025 chỉ đạt hơn 520 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ 2024. Tính chung 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau quả đạt hơn 1,6 tỷ USD, giảm 10,5%. Trong đó, riêng sầu riêng, mặt hàng chủ lực đã giảm sốc tới 74% so với cùng kỳ, chỉ còn 130 triệu USD so với mức 500 triệu USD của năm ngoái.
Ông Lư Văn Phi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, đặt vấn đề: “Chúng ta chưa biết những lô hàng bị trả có nhiễm Cadimi hay không, cần kiểm tra lại trước khi đưa ra thị trường trong nước. Không thể tiếp tục giữ tâm lý ‘bán cho dân mình ăn cũng được’ như trước đây, bởi thị trường nội địa giờ đã khác.”
Thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân là một tiềm năng lớn. Trên thực tế, Việt Nam đang xuất khẩu trái cây sang nhiều quốc gia chỉ có vài triệu dân, tức tổng cộng hàng chục nước mới tương đương quy mô tiêu dùng trong nước. Do đó, khi xuất khẩu gặp khó, thị trường nội địa hoàn toàn có thể trở thành “điểm tựa”.
![]() |
Sầu riêng "rớt chuẩn" xuất khẩu: Có nên đưa về tiêu thụ trong nước? |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chất lượng vẫn là yếu tố tiên quyết: “Nếu sản phẩm xuất khẩu đạt chuẩn thế nào thì cũng cần có chất lượng tương đương để bán trong nước. Không thể có chuyện hàng xuất khẩu là loại 1, loại 2, còn trong nước là loại 3, loại 4.”
Điều này cũng được chính người tiêu dùng phản ánh. Chị Mai Anh (Hà Nội), một khách hàng thường xuyên mua sầu riêng, chia sẻ: “Ngon thì xuất khẩu hết, dân mình chỉ ăn hàng trung bình thôi. Nhiều khi giá xuất khẩu còn rẻ hơn giá bán trong nước. Hàng nội địa cần được sản xuất theo cùng một chuẩn với hàng xuất khẩu. Không thể có hai tiêu chuẩn. một cho thị trường ngoài nước, một cho dân mình.”
Theo ghi nhận giá sầu riêng tại vườn hiện chỉ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Thế nhưng khi ra đến chợ lẻ ở TP. Hồ Chí Minh, giá đã vọt lên 100.000 - 120.000 đồng/kg – gấp gần ba lần.
Về vấn đề này, ông Lư Văn Phi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang chỉ ra nguyên nhân, có mức chênh lệch giá như vậy do có quá nhiều khâu trung gian. Người trung gian không trực tiếp sản xuất, không đổ công sức nhiều, nhưng lại hưởng phần chênh lệch lớn. Điều đó làm thị trường méo mó, giá cả bị bóp méo.
Để giải quyết bài toán này, cần có sự phối hợp giữa các bên nhằm rà soát và phân tích toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khâu sản xuất đến phân phối, bởi chi phí logistic hiện nay tại Việt Nam vẫn đang ở mức rất cao. Việc làm rõ trách nhiệm của từng mắt xích là điều cần thiết: đâu là phần việc của cơ quan quản lý nhà nước, đâu là nhiệm vụ của doanh nghiệp. Từ đó, xác định những công đoạn có thể tinh giản hoặc tối ưu để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả phân phối và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Một thực tế đáng chú ý là trong khi trái cây trong nước nhiều lúc rơi vào tình cảnh khó tiêu thụ, thậm chí phải “giải cứu”, thì người Việt lại chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu trái cây từ các quốc gia như Mỹ, Úc, New Zealand những nước nổi tiếng với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.
Riêng trong năm 2024, kim ngạch nhập khẩu trái cây đã lên tới 2,4 tỷ USD, tăng gần 24% so với năm trước. Lý do được nhiều người tiêu dùng đưa ra là trái cây nhập khẩu thường sạch hơn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn và giá bán cũng không chênh lệch quá nhiều so với hàng nội địa.
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, thẳng thắn cảnh báo: “Tỷ lệ người mắc ung thư tại Việt Nam không hề thấp. Một phần nguyên nhân là môi trường sống và cả chất lượng nông sản. Nhiều người Việt vẫn xem nhẹ yếu tố an toàn thực phẩm. Nhưng đó lại là yếu tố sống còn đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.”
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh lại một lần nữa: “Chất lượng không đảm bảo thì chúng ta mới khó tiêu thụ ở trong nước được. Chúng ta xuất khẩu tốt vì hàng được chọn lọc kỹ. Còn trong nước, nếu tiếp tục bán loại 3, loại 4, người tiêu dùng sẽ không mua lần thứ hai. Và như vậy, tiêu thụ nội địa sẽ mãi là một bài toán khó.”
Do đó, muốn lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, điều tiên quyết là phải thay đổi tư duy trong sản xuất và phân phối nông sản. Thị trường trong nước cần được nhìn nhận với tầm quan trọng ngang bằng thị trường xuất khẩu, thay vì tiếp tục duy trì quan điểm “hàng tốt để xuất khẩu, hàng kém để tiêu thụ nội địa”. Chỉ khi chất lượng sản phẩm được đảm bảo đồng đều, không phân biệt thị trường, ngành nông sản Việt mới có thể phát triển một cách bền vững, đáp ứng cả nhu cầu trong nước lẫn quốc tế.