Năm 2024, sầu riêng được ví như ngôi sao sáng của ngành rau quả Việt Nam khi đạt kim ngạch tới 3,3 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu rau quả năm. Thành tích đó không chỉ giúp ngành xác lập kỷ lục mới mà còn mở ra tham vọng cán mốc 8 tỷ USD trong năm 2025.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2025 kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4 chỉ đạt hơn 520 triệu USD, tăng gần 10% so với tháng trước nhưng lại giảm tới 13% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường tiêu thụ hơn 46% rau quả Việt chỉ đạt 777 triệu USD, giảm gần 33%.
![]() |
Sầu riêng “hụt hơi”, xuất khẩu rau quả Việt nguy cơ “lỡ hẹn” 8 tỷ USD |
Theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả mới đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ 2024. Với tốc độ hiện tại, dù có những tín hiệu cải thiện trong thời gian tới, mục tiêu cán mốc 8 tỷ USD trong năm nay được đánh giá là rất khó khả thi.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc Trung Quốc siết chặt các quy định nhập khẩu sầu riêng, bao gồm kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn dư lượng kim loại nặng như cadmium, truy xuất nguồn gốc và các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Nhiều lô hàng bị trả về, làm đứt đoạn chuỗi cung ứng, kéo theo sự sa sút chung của toàn ngành.
Tăng tốc xử lý điểm nghẽn, kỳ vọng từ nhóm hàng chế biến
Trước tình hình đó, tại cuộc họp khẩn bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành sầu riêng xuất khẩu đầu tháng 5/2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng sầu riêng. Trong đó, nhấn mạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục liên quan nhằm đảm bảo xuất khẩu ổn định, lâu dài.
Ở chiều tích cực, dù kim ngạch tổng thể sụt giảm, một số mặt hàng lại có dấu hiệu khởi sắc. Đáng chú ý là nhóm rau quả chế biến, nhất là tại thị trường Mỹ. Theo thống kê từ Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả chế biến sang Mỹ đã tăng gần 58%, đạt hơn 122 triệu USD. Việt Nam hiện là một trong những nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường này ở phân khúc rau quả chế biến.
Ngoài sầu riêng, nhiều loại trái cây khác như xoài, dừa, mít, chuối… đang được mở rộng đầu tư chế biến để tận dụng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế. Chẳng hạn, xuất khẩu xoài trong 2 tháng đầu năm mang về 52 triệu USD (tăng 27%), còn dừa đạt 33 triệu USD (tăng 18%).
Bên cạnh đó, các phương pháp bảo quản mới như đông lạnh, sấy khô, đóng hộp… cũng đang được ứng dụng rộng rãi để gia tăng giá trị và kéo dài vòng đời sản phẩm, mở thêm cơ hội tiếp cận các thị trường khó tính.
Vải thiều, vốn là mặt hàng tiêu thụ nội địa, năm nay đang trở thành tâm điểm với sản lượng dự kiến khoảng 303.000 tấn, tăng 30% so với năm ngoái. Điều đáng chú ý là lần đầu tiên, Nhật Bản chấp thuận cho Việt Nam tự giám sát khâu xử lý kiểm dịch vải xuất khẩu, thay vì phải chờ chuyên gia sang giám sát như trước. Đây là bước tiến lớn về niềm tin thị trường đối với năng lực kiểm soát chất lượng của Việt Nam.
Tại thị trường Mỹ, tỉnh Bắc Giang cũng vừa được cấp thêm ba mã số vùng trồng, nâng tổng diện tích đạt chuẩn lên gần 18.000 ha. Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự kiến sẽ đẩy mạnh xuất khẩu khoảng 40% sản lượng vải năm nay sang các thị trường cao cấp, giảm phụ thuộc vào tiêu thụ nội địa.
Tháng 4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết 4 nghị định thư xuất khẩu với Trung Quốc, trong đó đã ký 4 Nghị định thư, trong đó có 2 nghị định quan trọng về xuất khẩu ớt và chanh leo. Những mặt hàng mới này không chỉ gia tăng danh mục trái cây được xuất khẩu chính ngạch mà còn góp phần san sẻ gánh nặng cho những trụ cột đang hụt hơi.
“Cú vấp” của sầu riêng không chỉ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu, mà còn cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý chất lượng và giám sát chuỗi cung ứng. Đây là bài học lớn buộc ngành rau quả phải thay đổi tư duy phát triển theo hướng bài bản, chuyên nghiệp và thích ứng nhanh với yêu cầu thị trường.
Trong bối cảnh rủi ro từ một số thị trường chủ lực ngày càng tăng, các chuyên gia cho rằng, việc đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, nâng cấp quy trình sản xuất và chế biến sâu là con đường bắt buộc nếu ngành rau quả muốn phát triển bền vững.