Xuất khẩu gỗ và lâm sản hướng tới mục tiêu 14 tỉ USD trong năm 2021

16:43 07/04/2021

Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị đồng chủ tri hội nghị.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, cả nước đã trồng được 230.288ha rừng, đạt 105% so với kế hoạch. Nhờ đẩy mạnh công tác trồng và bảo vệ rừng, tỷ lệ che phủ rừng đã không ngừng tăng và đạt 42%. Năm 2020, cả nước đã phát hiện 10.931 vụ vi phạm, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019; tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 1.513ha, giảm 1.062ha so với năm 2019. Về khai thác gỗ đạt khoảng 30 triệu m3 gỗ, đạt 105% kế hoạch năm, đáp ứng 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến.

Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2020 đạt khoảng 13,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2019, xuất siêu cả năm của ngành lâm nghiệp ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 17,9%. Ngoài ra, cả nước thu được 2.566,8 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng, trong đó Quỹ dịch vụ môi trường rừng Trung ương thu 1.604 tỷ đồng, Quỹ địa phương thu 962,1 tỷ đồng. 

Dự báo lạc quan về xuất khẩu gỗ trong năm 2021. Ảnh: Internet
Dự báo lạc quan về xuất khẩu gỗ trong năm 2021. Ảnh: Internet.

Trong năm 2020, mặc dù tác động của dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến sản xuất chế biến và tiêu sản phẩm gỗ và lâm sản, Tổng cục Lâm nghiệp đã luôn chủ động, thường xuyên phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản để nắm bắt tình hình. Từ đó, đó tham mưu để Bộ NN&PTNT có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng năm 2020 ngành lâm nghiệp đã phải đối mặt với ba thách thức lớn: Đó là đại dịch COVID-19, đặc biệt là quý 1 và quý 2-2020 khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy. Bên cạnh đó là tác động của biến đổi khí hậu, sự dị thường của thời tiết suốt từ đầu năm đến cuối năm. Cạnh tranh thương mại toàn cầu khiến xuất khẩu gỗ và đồ gỗ phải cạnh tranh với 2 nước có thị phần lớn nhất là Hàn Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã khống chế được dịch Covid-19; cùng với đó là sự vào cuộc tích cực, chủ động của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản đã phục hồi nhanh chóng, cả năm tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tăng trưởng của ngành lâm nghiệp năm 2020 chính là “cứu cánh” giúp toàn ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đạt được kim ngạch xuất khẩu đề ra. Tăng trưởng của ngành lâm nghiệp không chỉ giúp nông nghiệp tăng trưởng mà đằng sau đó là thu nhập của người lao động, sinh kế của người trồng rừng.

Bên cạnh đó Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ ra những tồn tại, nút thắt để ngành lâm nghiệp giải quyết trong thời gian tới như tỉ lệ che phủ rừng ở 3 khu vực trọng điểm là Tây Bắc, Tây Nguyên và rừng ven biển vẫn chưa hoàn toàn yên tâm về an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, địa hình… Bên cạnh đó, việc khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng đã có nhiều chính sách nhưng chưa thỏa đáng; chính sách hỗ trợ còn bất cập nên chưa khuyến khích người dân, kể cả chủ hộ cá nhân hay đơn vị tham gia phục hồi, phát triển rừng. 

Năm 2021, ngành lâm nghiệp phấn đấu trồng rừng tập trung 230.000ha (rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất); khoanh nuôi tái sinh rừng 150.000ha, trồng 200 triệu cây phân tán; khai thác gỗ rừng sản xuất khoảng 32 triệu m3 (rừng sản xuất tập trung 21,5 triệu m3; khai thác cây trồng phân tán, gỗ vườn nhà 5,5 triệu m3; gỗ cao su 5 triệu m3, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 14 tỷ USD, thu dịch vụ môi trường rừng 2.800 tỷ đồng.

Minh Hải