Xuất khẩu Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng
Theo số liệu vừa công bố của Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu với tỷ trọng 70,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Bộ Công Thương cũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu xuất khẩu và đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 83,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 12,6%); Hàng dệt may (tăng 9,8%); Giày dép các loại (tăng 13,4%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (tăng 4,1%); Gỗ và sản phẩm gỗ tăng (17,8%)...
Cũng trong 4 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,8 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường EU đạt 13,7 tỷ USD, tăng 2,8%. Trung Quốc đạt 10,4 tỷ USD, giảm 5,8%. Thị trường ASEAN đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,3%. Hàn Quốc đạt 6,2 tỷ USD, tăng 7,3%. Nhật Bản đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6,6%.
Về thị trường nhập khẩu, tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ 2018. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,80 tỷ USD, tăng 14,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 45,25 tỷ USD, tăng 7,6%.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các mặt hàng nguyên vật liệu trung gian phục vụ sản xuất hoặc gia công hàng xuất khẩu với tỷ trọng lên tới 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu.
Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,3 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 15,5 tỷ USD, tăng 3,1%. Thị trường ASEAN đạt 10,8 tỷ USD, tăng 9,2%. Nhật Bản đạt 5,7 tỷ USD, giảm 1,4%. Thị trường EU đạt 4,6 tỷ USD, tăng 14,8%. Hoa Kỳ đạt 4,2 tỷ USD, tăng 14,3%.
Như vậy, tính chung 4 tháng năm 2019, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 711 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,7 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,46 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,17 tỷ USD.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng thì kết quả xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam có thể xem là một kết quả cho thấy sự nỗ lực rất lớn.
Chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 Quốc hội giao là khoảng 7 - 8%, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương phấn đấu mức tăng trưởng từ 8 - 10%.
Bộ Công Thương cho biết, với kim ngạch đạt 78,76 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành gần 30% so với kế hoạch. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, xuất khẩu hàng hóa trong 8 tháng còn lại của năm 2019 phải đạt từ 184 tỷ USD trở lên (tương ứng khoảng 23 tỷ USD/tháng), tăng khoảng 9 % so với cùng kỳ năm 2018. "Mặc dù xuất khẩu thường tăng tốc trong giai đoạn nửa cuối năm, song để đạt được con số trên là nhiệm vụ khá khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm như hiện nay", Bộ Công Thương cho hay.
Cũng theo Bộ Công Thương, mặc dù mức tăng trưởng xuất khẩu 4 tháng đầu năm ở mức thấp hơn so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% và thấp hơn so với mức tăng trưởng của các năm (4 tháng/2018 tăng 19,1%, 4 tháng/2017 tăng 17,4%), nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có nhiều điểm tích cực.
Bằng chứng, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam với mức tăng trưởng 10,5%, cao hơn gần 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (tăng 5,8%) cũng như mức tăng trưởng 4% của khối doanh nghiệp FDI. Do đó, tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên mức 29,6% trong 4 tháng đầu năm 2019 từ mức 28,4% của cùng kỳ năm 2018.
Có thể thấy, từ năm 2018 đến nay khối doanh nghiệp trong nước đã có những bước chuyển mình tích cực và qua đó giúp nền kinh tế giảm dần sự phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI. Điều này cũng cho thấy định hướng phát triển và các chính sách thúc đẩy kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, của nhà nước bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tăng trưởng xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước đã trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng chủ yếu là nhờ vào tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp chế biến (chiếm tới 83,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam). Cả nước có 16 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, trong đó có 13 mặt hàng đều thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến.
Yến Nhi