Xuất khẩu cà phê vào thị trường Mexico tăng gần 60 lần

21:57 13/09/2022

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm đạt 2,8 tỷ USD. Xuất sang các thị trường đều tăng trưởng tốt, trong đó cà phê Việt vào Mexico tăng tới 5.814%, tương ứng gấp gần 60 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 8/2022 Việt Nam xuất khẩu 112.531 tấn cà phê, tương ứng đạt 266 triệu USD, giảm 4% về lượng nhưng lại tăng 13% về trị giá. Nguyên nhân tình trạng này chủ yếu do giá xuất khẩu trong tháng 8 tăng trưởng tốt với mức 16,1% so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng ước đạt 2.336 USD/tấn. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 1,2 triệu tấn cà phê, đạt 2,8 tỷ USD, tăng lần lượt 11% về lượng và 40% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 2.268 USD/tấn.

Về giá nội địa, theo Bộ Công Thương, trong tháng 8/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng lên mức kỷ lục 49.700 – 50.200 đồng/kg (ghi nhận ngày 25/8/2022). Xu hướng giá bắt đầu giảm trong các ngày tiếp theo, dù vậy so với tháng 7/2022, giá cà phê cuối tháng 8 nhìn chung vẫn tăng. Cụ thể, ngày 27/8, giá cà phê Robusta tăng 4.800 đồng – 4.900 đồng/kg so với ngày 29/7.

Về thị trường, trong 8 tháng đầu năm, Đức là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất, đạt 341 triệu USD, tương ứng chiếm 12% trong tổng trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Xuất khẩu cà phê sang Đức cũng tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng thứ hai là thị trường Bỉ, đạt 213 triệu USD, tăng trưởng tới 3 con số với mức 220%; tiếp theo là Italy đạt 209 triệu USD, tăng 32%.

Nhìn chung, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường đều tăng trưởng tốt, nhiều thị trường chính tăng trưởng từ 2 đến 3 con số. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Mexico 8 tháng đầu năm ghi nhận tăng trưởng tới 5814% (tương ứng gấp hơn 59 lần) so với cùng kỳ năm 2021, từ 0,7 triệu USD lên 41,4 triệu USD.

Bên cạnh đó, cà phê Việt xuất sang một số thị trường cũng ghi nhận tín hiệu giảm. Trong đó, xuất khẩu sang Malaysia giảm 13,5%, Algeria giảm nhẹ 3,3%. Hiện Việt Nam chiếm 50% thị phần cà phê nhập khẩu của Algeria. Phát biểu tại Phiên tư vấn xuất khẩu cà phê sang thị trường châu Phi, Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận cho biết, thị trường này phải nhập khẩu hoàn toàn mặt hàng cà phê với khoảng 120.000 tấn cà phê/năm, tương ứng 300 triệu USD/năm.

Theo ông Nhuận, mỗi người Algeria tiêu thụ 15 gram cà phê mỗi ngày và 4 kg mỗi năm, 100% người dân Algeria dân uống trung bình 1 – 3 cốc cà phê/ngày. Chủng loại thị trường này tiêu thụ là chủng Robusta – vốn là chủng lại chiếm phần lớn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với những lợi thế, cà phê Việt còn gặp nhiều khó khăn tại quốc gia này, đặc biệt về thuế quan. Hiện nay Algeria đánh thuế nhập khẩu cà phê tương đối cao, lên tới 63%. Quốc gia này cũng chủ trương chỉ cho nhập khẩu hàng nguyên liệu nên các thương hiệu cà phê chế biến của các doanh nghiệp Việt chưa xuất hiện tại thị trường này. Điều này có thể là một trong những nguyên nhân khiến trị giá xuất khẩu cà phê sang Algeria giảm trong các tháng đầu năm trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, người tiêu dùng siết chặt chi tiêu.

Về chủng loại, theo Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm, Robusta là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, đạt 1,99 tỷ USD và 1,01 triệu tấn, tăng lần lượt 48,7% về trị giá và 20,1% về lượng. Với con số đạt được, cà phê Robusta vẫn giữ vị trí nhất bảng cả về trị giá lẫn số lượng trong bức tranh xuất khẩu cà phê của Việt Nam 7 tháng đầu năm, lần lượt chiếm 78% trị giá và 91% về lượng.

P.V