Đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng sau khi đạt kỷ lục vào năm 2023
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023 tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2024, FDI giải ngân đã tăng 7,4% so với năm ngoái lên 6,3 tỷ USD, sau khi con số này đạt kỷ lục vào năm 2023.
Chủ tịch của Indochina Capital có trụ sở tại Hà Nội, Peter Ryder cho biết: “Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang ở mức cao chưa từng thấy. Phần lớn trong số đó được đổ vào lĩnh vực sản xuất năng suất cao, vốn là nền tảng cho sự tăng trưởng của Việt Nam”.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong năm nay và dẫn đầu khu vực cùng với Ấn Độ vào năm 2025.
Samsung Electronics Co. hồi tháng 3 đã nhắc lại rằng, họ có kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD mỗi năm vào Việt Nam sau khi đã đầu tư tổng cộng hơn 22 tỷ USD. Tuy nhiên, công ty này không nêu rõ khung thời gian cho kế hoạch.
Giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip Nvidia Jensen Huang cho biết vào tháng 12 rằng, ông coi Việt Nam như ngôi nhà thứ hai tiềm năng cho công ty ở Thung lũng Silicon của mình. CEO Tim Cook của Apple Inc. đã cam kết sẽ mua thêm linh kiện từ Việt Nam và tăng cường đầu tư chất lượng trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng Tư. Cả nước đã chứng kiến số lượng công ty lắp ráp sản phẩm cho công ty công nghệ có trụ sở tại California tăng gấp bốn lần trong thập kỷ qua.
Lí giải cho xu hướng tăng trưởng FDI vào Việt Nam, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Adam Sitkoff cho biết, nền kinh tế và tầng lớp trung lưu đang mở rộng của đất nước, cũng như vai trò ngày càng tăng trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu đã tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư. Ông nói: “Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn”.
Một lý do khác dẫn đến thành công của Việt Nam là nước ta đã cân bằng thành công mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đều đến thăm Việt Nam vào năm ngoái và hai chuyến thăm chỉ cách nhau vài tháng.
Thị trường vốn FDI xanh được dự báo sẽ sôi động hơn
Là điểm đến thu hút FDI trong khu vực ASEAN, cùng với xu hướng chuyển đổi xanh, một số nhà đầu tư lớn đến từ châu Âu đã chọn Việt Nam để rót vốn xanh. Cụ thể, Tập đoàn LEGO của Đan Mạch đầu tư hơn 1 tỉ USD vào nhà máy không phát thải carbon. Adidas của Đức cũng đã đi theo chiến lược giảm phát thải, đồng nghĩa doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng, gia công cũng phải đồng hành để đạt được mục tiêu này.
Đầu năm 2024, "Chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu (CFA) Việt Nam giai đoạn 2" của Vương quốc Anh đã chọn ra 11 dự án để tài trợ và cho tới nay, các dự án đã được hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, tài chính để kêu gọi đầu tư toàn cầu. Thông qua kết nối này, các dự án của Việt Nam có khả năng tiếp cận nguồn đầu tư khoảng 436 triệu USD. Dự báo từ chương trình cho thấy, danh mục các dự án và nhà đầu tư cũng đa dạng hơn trước. Vì vậy, thị trường tài trợ vốn xanh của Việt Nam được dự báo sẽ sôi động hơn nữa.
Theo ghi nhận của Chương trình CFA, mặc dù dòng vốn dành cho lĩnh vực tài chính khí hậu vẫn có trên thị trường, tuy nhiên, việc đảm bảo dòng vốn này chảy vào những dự án đang cần đến vốn nhất vẫn đang là một thách thức.
Ông Abhinav Coyal - Giám đốc PwC Việt Nam, Trưởng nhóm Chương trình CFA Việt Nam cho biết: "Chúng tôi có 3 khuyến nghị: Thứ nhất, bên cạnh các yếu tố kĩ thuật và tài chính, cần xây dựng câu chuyện thu hút có điểm chạm với nhà đầu tư. Thứ hai, dự án phải đi song hành với hướng phát triển của quốc gia bởi các nhà đầu tư rất quan tâm đến khả năng mở rộng của các dự án này. Thứ ba là tác động của dự án liên quan đến môi trường, con người và việc làm".
Với Thỏa thuận Hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Việt Nam nhận được 15,5 tỷ USD cho gói tài chính khí hậu để chuyển đổi năng lượng. Nhiều ý kiến chỉ ra, khoản đầu tư này có thể mở khóa nhiều dự án tiềm năng và tạo ra hàng trăm ngàn việc làm mới.
FDI xanh từ các quốc gia khác cũng theo dòng chảy vào Việt Nam với một số dự án như dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu với vốn đầu tư đăng ký 4 tỉ USD; dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II có tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỉ USD…
Cần có chiến lược tháo gỡ rào cản để dẫn dòng vốn đầu tư FDI xanh
Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, EuroCham cho rằng: Việt Nam phải đối mặt với những rào cản trong việc tuân thủ trọng tâm chuỗi cung ứng xanh, đặc biệt là của EU. Điều này bao gồm việc thực thi các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ xanh đòi hỏi phải đầu tư rất lớn, đồng thời đảm bảo nguồn cung ứng minh bạch, bền vững từ các nhà cung cấp địa phương có thể là một thách thức.
Cách hiệu quả nhất để Việt Nam tiến lên và xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai là tập trung vào nền kinh tế xanh và phát triển bền vững - EuroCham nêu rõ.
Ông Arnaud Ginolin, Giám đốc điều hành Tập đoàn tư vấn BCG khuyến nghị, Việt Nam cần ưu tiên hoàn thiện cơ chế, triển khai chính sách ưu đãi xanh, phân loại đầu tư xanh; nghiên cứu ban hành các gói thu hút đầu tư xanh, xây dựng hệ sinh thái xanh, nâng cao năng lực nguồn nhân lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho các dự án xanh, công nghệ xanh, tri thức xanh được chuyển giao. Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác đầu tư quốc tế, đẩy nhanh xanh hoá các ngành, xây dựng cụm ngành xanh trong khu vực như chế tạo linh kiện xanh, hydro xanh…
Lân Nguyễn (tổng hợp)