Vĩnh Phúc: Tổ chức hội thảo khoa học cải thiện môi trường đầu tư

16:30 26/05/2022

Sáng 26/5/2022, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ chí Minh phối hợp đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp bộ cải thiện môi trường đầu tư, khai thông nguồn lực, tháo gỡ nút thắt trong phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh, ngay từ những ngày đầu tái lập, Vĩnh Phúc luôn nhất quán tư duy, tầm nhìn đổi mới, xác định tập trung phát triển công nghiệp là nền tảng, động lực để phát triển. Nhờ đó, sau 25 năm tái lập, các chỉ số phát triển của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 

Ảnh minh họa
Hội thảo khoa học cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc

Mặc dù mức tăng trưởng cao nhưng thiếu tính bền vững. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu là lắp ráp, gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Chưa thu hút nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Hạ tầng các KCN, chất lượng các loại hình dịch vụ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu chung. Các nguồn lực khác (đất đai, thể chế, KHCN...) chưa phát huy được ưu thế.

Tại buổi hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đề nghị trong phạm vi của hội thảo, các đại biểu cần thẳng thắn xác định rõ những điểm nghẽn, phân tích đánh giá làm rõ hơn thực trạng, những khó khăn, vướng mắc cụ thể và đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương.

Phát biểu chỉ đạo, PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Để thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các địa phương nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng phải chủ động, nhạy bén nắm chắc thời cơ, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế, khơi dậy ý chí, tiềm năng, nguồn lực cho phát triển.

Xây dựng nền kinh tế tự chủ và bền vững, có khả năng thích ứng linh hoạt trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các địa phương cần chú trọng hiện nay là nhận diện rõ những rào cản, tập trung giải quyết những tồn tại, tháo gỡ nút thắt, khơi thông các nguồn lực tạo đà cho phát triển KT - XH. Trong khuôn khổ của hội thảo, cần tập trung thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, giải pháp đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, triển khai các thể chế, chính sách của Trung ương...

Tham luận tại hội thảo, các đại biểu tập trung nêu lên những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực quan trọng, như: Thu hút đầu tư; tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận, nhất trí của nhân dân để đạt kết quả cao trong công tác GPMB; tập trung giải quyết các thủ tục hành chính; các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN chưa thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt, chưa thực sự kết nối được các DN trong và ngoài tỉnh; thiếu thể chế hỗ trợ DN tham gia quá trình đổi mới công nghệ...

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu lên những bài học kinh nghiệm như: Thay đổi phương thức sản xuất dựa trên nền tảng phát huy những lợi thế sẵn có của địa phương; chú trọng đổi mới KHCN và sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó, vấn đề thể chế được đánh giá là một trong những yếu tố quyết định để thu hút đầu tư hiệu quả, đưa nền kinh tế của tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chương trình chuyển đổi số cần triển khai tích cực và hiệu quả hơn nữa, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Hoàn thiện thể chế đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

 PV