Vĩnh Phúc: Tháo gỡ khó khăn giúp Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng phát triển

16:32 08/12/2021

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2021, Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng rơi vào hoàn cảnh khó tiếp cận khách hàng; nhiều khách hàng đề nghị giãn thời gian giải ngân, lùi thời điểm đầu tư dự án.

Với chức năng đầu tư cho vay, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ tài chính nhà nước, ngoài ngân sách do UBND tỉnh thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn về vốn, doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo để góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ đề ra. Lợi thế thì nhiều, tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp quan tâm, tích cực hợp tác với quỹ trong việc sử dụng vốn. 

  Hội nghị xúc tiến và tháo gỡ đối với doanh nghiệp.

Theo thống kê, năm 2019, Quỹ Đầu tư phát triển kêu gọi, tìm kiếm được 28 doanh nghiệp đến làm việc, chỉ có 6 doanh nghiệp sử dụng vốn; năm 2020, tiến hành rà soát số dự án đầu tư thuộc lĩnh vực và tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, lựa chọn dự án, thu hút được gần 30 doanh nghiệp với trên 30 dự án song chỉ có 7 doanh nghiệp và 9 dự án sử dụng vốn. Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 41 doanh nghiệp, dự án có kế hoạch sử dụng vốn nhưng chỉ có 5 doanh nghiệp đăng ký, cam kết sử dụng vốn. Tính đến tháng 12, có 8 doanh nghiệp cam kết sử dụng vốn với tổng mức 345 tỷ đồng.

Năm 2019, Quỹ thu hút được 15 doanh nghiệp đăng ký, cấp bảo lãnh được 12 lượt doanh nghiệp; năm 2020 thu hút 15 doanh nghiệp đăng ký, đã cấp bảo lãnh cho 16 lượt doanh nghiệp. Năm 2021 thu hút nhiều nhưng doanh nghiệp hợp tác nhưng số doanh nghiệp thực hiện thực tế chỉ đạt 26 lượt.

Nguyên nhân của những hạn chế này được xác định là do thời gian trước đây, đối tượng phục vụ của Quỹ Đầu tư phát triển bị hạn chế, từ năm 2020, Nghị định 147/2020/NĐ-CP của Chính phủ mở rộng lĩnh vực bảo lãnh được ban hành nhưng lại chậm cụ thể hóa áp dụng tại địa phương. Bên cạnh đó, Quỹ Đầu tư phát triển dù cho vay với lãi suất thấp nhưng vốn vay rất nhỏ so với nhu cầu vốn thực hiện dự án và phải lập hồ sơ vay vốn đầu tư như một dự án nên chưa hấp dẫn doanh nghiệp đúng đối tượng cần vốn lớn.

Để tháo gỡ khó khăn, xây dựng Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng phát triển, cần kịp thời có hệ thống văn bản thực hiện Nghị định 34/2018/NĐ-CP và Nghị định 147/2020/NĐ-CP của Chính phủ tại địa phương; mở rộng và cụ thể hóa danh mục cho vay, đầu tư, danh mục ưu tiên bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể hóa nội dung ưu tiên bảo lãnh, nhất là bảo lãnh tín dụng bằng tín chấp; cho phép bảo lãnh đấu thầu, thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cho vay đầu tư gắn với bảo lãnh tín dụng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện toàn diện chức năng, nhiệm vụ của quỹ Đầu tư phát triển, giúp quỹ có thể kêu gọi tổ chức kinh tế tham gia đầu tư.

 PV