VINASME- Thành viên quan trọng của Hội đồng Tiền lương Quốc gia

11:15 10/08/2023

Ngày 08/8/2023, tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tổ chức Chương trình kỷ niệm 10 năm ngày thành lập.

Ảnh minh họa
Toàn cảnh phiên họp.

Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh – Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia; TS. Tô Hoài Nam – Thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Nhìn lại hành trình 10 năm chặng đường phát triển, mặc dù thời gian được thành lập cũng chưa dài, tiền lệ chưa có khuôn mẫu, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, nhưng các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia luôn phát huy vai trò trách nhiệm, tích cực, vì lợi ích chung. Trong suốt quá trình tham gia, VINASME đã sát cánh cùng thành viên Hội đồng, đưa ra nhiều phương án, tham vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về xây dựng mức lương tối thiểu phù hợp đảm bảo quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động. Điểm nhấn đáng chú ý trong 10 năm hoạt động đó là 10 khuyến nghị để Chính phủ quy định mức lương tối thiểu phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, có những góp ý xác đáng của VINASME. Có thể nói, lần đầu tiên mức lương tối thiểu đạt được mục tiêu “bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ vào năm 2020” theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Trung ương.

Để thực hiện được nhiệm vụ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, Lãnh đạo VINASME cũng như các cán bộ thuộc bộ phận kỹ thuật được phân công giúp việc cho lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong Hội đồng đã rất tích cực nghiên cứu, tìm tòi, thực hiện các khảo sát, hội thảo, các đồng chí lãnh đạo VINASME luôn lồng ghép vào các chuyến công tác để lắng nghe phản ánh từ các chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp, qua đó nắm bắt được tâm tư, tình cảm của các chủ doanh nghiệp xoay quanh vấn đề tiền lương cho người lao động, gắn kết hài hòa mối quan hệ giữa tăng lương cho người lao động và lợi nhuận của chủ lao động.

TS. Tô Hoài Nam – Thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME)
TS. Tô Hoài Nam – Thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME).

Tham dự phiên họp, TS.Tô Hoài Nam chia sẻ: “Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước và 1 năm tạo ra 1 triệu lao động mới. Tôi mong có thể quan tâm sâu hơn về khu vực này vì đây mới là nơi tạo nên cơ chế êm đềm. Điều này bởi lẽ, thứ nhất, một DNNVV đôi khi chỉ có 20-30 lao động nhưng người chủ lao động thường sẽ làm cả những việc của người lao động, đặc điểm này tạo mối quan hệ rất gắn bó, hiểu nhau giữa người chủ lao động và người lao động. Điểm thứ 2 là khu vực này chưa bao giờ trả lương bằng mức lương tối thiểu, mà hầu hết đều cao hơn từ 7-15%. Điển hình năm 2023 là cao hơn 13% và năm 2022 là cao hơn 8%. Vì vậy tuy là DNNVV nhưng lại giải quyết rất nhiều vấn đề”.

TS.Tô Hoài Nam cũng bày tỏ mong muốn sẽ sớm tìm ra cơ chế để làm sao cho khu vực DNNVV tuân thủ pháp luật tốt hơn, làm sao để giảm số lượng lao động phi chính thức đi.

“Đặc điểm của một doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ khác nhau rất nhiều, đôi khi thuận lợi của doanh nghiệp nhỏ lại là thách thức của doanh nghiệp lớn và ngược lại.  Ở các DNNVV, lao động chỉ biết đến chủ doanh nghiệp vì chủ yếu chỉ có chủ doanh nghiệp chịu trách nghiệm chính lo cho người lao động. Vì vậy tôi mong khu vực doanh nghiệp này sẽ còn được quan tâm nhiều hơn”, TS.Tô Hoài Nam nhận định.

Trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trước suy thoái kinh tế, chuỗi cung ứng có lúc bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm. VINASME cũng đã sát cánh với các doanh nghiệp hội viên, để trao đổi những vấn đề nội tại về quan hệ lao động trong doanh nghiệp, trong đó khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, đa phần là siêu nhỏ có những đặc thù, từ đó có những ý kiến tham vấn chính xác về mức tăng thang lương tối thiểu và những đặc thù của việc trả lương trong các khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ. Tất cả các lần khuyến nghị của VINASME tại phiên họp đều được Hội đồng đánh giá cao và thống nhất tiếp thu, thực tế cho thấy, sau nhiều lần điều chỉnh đến nay mức lương tối thiểu theo tháng đã tăng 99,1% so với 10 năm trước.

Hiện nay, cũng như trong giai đoạn tới, tiền lương tối thiểu vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách tiền lương quốc gia, là động lực thúc đẩy tăng trưởng tiền lương và an sinh xã hội. Khu vực DN nhỏ và vừa đóng góp một phần rất quan trọng trọng giải quyết công ăn việc làm. Để giúp cho Hội đồng Tiền lương Quốc gia có những thông tin đa chiều, từ đó đề xuất mức lương tối thiểu hợp lý với từng năm, thời kỳ, dựa trên bằng chứng và cơ chế đối thoại và thương lượng ba bên hiệu quả và tin cậy. VINASME đã thành lập Ban hỗ trợ hội viên về phát triển Quan hệ lao động trực thuộc, từ đó có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu về các quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường, thúc đẩy vai trò của VINASME trong việc xây dựng quan hệ lao động phát triển ổn định, hài hòa, tiến bộ.

Ảnh minh họa
Các đại biểu tham dự chụp ảnh kỷ niệm.

PV

Tags: