Vinasme nêu giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

15:59 28/11/2022

Tại phiên họp toàn thể Ủy ban về khoa học và công nghệ thuộc Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư kí Vinasme, tham dự và báo cáo tại phiên họp. Theo ông Nam, điểm đến mong muốn là doanh nghiệp làm đúng pháp luật và không được tàn phá môi trường.

Ảnh minh họa
Toàn cảnh phiên họp 

Phiên họp được tổ chức nhằm trao đổi về thực hiện các nhiệm vụ của Uỷ ban trong xây dựng và thực hiện chiến lược, chính sách, các chương trình, nhiệm vụ và giải pháp về KHCN&ĐMST để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và kế hoạch hoạt động của Ủy ban trong thời gian tới. Ông Bùi Thế Duy - Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Phó Chủ tịch Uỷ ban chủ trì Phiên họp. Tham dự Phiên họp có các thành viên của Uỷ ban; đại diện một số Bộ, ngành và đơn vị trực thuộc Bộ.

Ngày 18/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 419/QĐ-TTg về việc kiện toàn Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. Hội đồng bao gồm 6 uỷ ban chuyên môn là Uỷ ban về phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh, Uỷ ban về xã hội, Uỷ ban về môi trường, Uỷ ban về giáo dục và phát triển nhân lực, Ủy ban về quan hệ đối tác công tư và Ủy ban về KH&CN.

Uỷ ban về KH&CN do Bộ trưởng Bộ KH&CN làm Chủ tịch, 18 thành viên là đại diện của một số bộ, ngành đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động KH&CN, một số tổ chức nghiên cứu, đào tạo lớn của cả nước, một số hiệp hội ngành nghề và một số chuyên gia trong nước.

Từ khi thành lập đến nay, Uỷ ban đã tham vấn nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hoạch định phát triển KH,CN&ĐMST như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030,…; xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội; xây dựng và đóng góp ý kiến dự thảo các văn bản và báo cáo quốc gia về phát triển bền vững; hàng năm xây dựng báo cáo chuyên đề về KH,CN&ĐMST gửi Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh;… 

Theo báo cáo chung tại Phiên họp ngày 17/11//2022, vấn đề khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) là công cụ then chốt để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững bên cạnh đầu tư nguồn lực tài chính và môi trường thể chế. KH,CN&ĐMST đóng góp vào thành tựu của hầu hết tất cả các mục tiêu phát triển bền vững và là công cụ để thực thi các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam như xoá đói, xoá nghèo, cải thiện an ninh lương thực, dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp; thúc đẩy tiếp cận và hiệu quả của năng lượng; thúc đẩy bình đẳng xã hội theo nguyên tắc “không ai bị bỏ lại phía sau”; phòng ngừa bệnh tật và cải thiện sức khoẻ; thúc đẩy tiếp cận và cá nhân hoá giáo dục.

Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của KH,CN&ĐMST trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững có nhiều thuận lợi. Vai trò của KH,CN&ĐMST đã được khẳng định trong quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, được thể hiện trong một số chính sách liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững; nguồn lực đầu tư xã hội cho KH,CN&ĐMST ngày càng tăng; đã có những sáng kiến KH&CN phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; KH,CN&ĐMST đang dần khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất trong nhiều lĩnh vực kinh tế.

Tại Phiên họp, đại diện các bộ, ngành, cơ quan đã báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2022 và yêu cầu đặt ra đối với KH,CN&ĐMST trong hoàn thành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030; đại diện một số hội, hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học chia sẻ về tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về KH,CN&ĐMST để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Ảnh minh họa
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư kí Vinasme trình bày báo cáo tại phiên họp

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, TS. Tô Hoài Nam cho biết, nhiều năm qua, Vinasme đã quan tâm nghiên cứu về thực trạng và khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Trong quá trình đó, Vinasme đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế nghiên cứu, đánh giá, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, tập huấn tuyên truyền cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa về phát triển bền vững.

Vinasme hiện có 3 đơn vị có chức năng nghiên cứu về KH&CN là Viện Khoa học quản trị DNNVV Việt Nam (VIDEM), Trung tâm doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) và Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực (LHCR) đang hoạt động hiệu quả, có nhiều sản phẩm đang được ứng dụng góp phần vào phát triển bền vững (PTBV) doanh nghiệp.

Theo TS. Tô Hoài Nam, PTBV doanh nghiệp được xem như một mô hình quản lý doanh nghiệp mới trong đó có mục tiêu của doanh nghiệp là gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng lợi nhuận, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Trên thế giới, nhiều tổ chức cũng như các nhà nghiên cứu đã nỗ lực thực hiện các nghiên cứu nhằm cung cấp hướng dẫn cũng như đề xuất các bộ chỉ tiêu nhằm đánh giá sự PTBV cho doanh nghiệp. Trong đó, Nhật Bản đã nhận thức sâu sắc về PTBV ngay từ thập niên 70 của thế kỉ XX. Một trong những bộ tiêu chí PTBV cho doanh nghiệp phổ biến nhất tại Nhật Bản là EcoAction21.

TS. Tô Hoài Nam cho biết, bộ tiêu chí này được đề xuất năm 2004, có vai trò quan trọng trong các kế hoạch của chính phủ Nhật Bản nhằm xây dựng xã hội bền vững. Các sáng kiến chất lượng cao về môi trường; thiết lập, vận hành, duy trì hệ thống quản lí môi trường; và thực hiện truyền thông môi trường sẽ được cấp chứng chỉ. “Ưu điểm của bộ chỉ tiêu này là quy trình cấp chứng nhận dễ thực hiện với mức chi phí đánh giá thấp, góp phần tăng cường sự tham gia của nhiều đối tượng như doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền địa phương”, ông Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Nam cho biết, trên thế giới, bộ tiêu chí GRI, GGEI, hay “bộ tiêu chí phát triển bền vững Dow Jones” của Mỹ; GGFI của Anh, “bộ chỉ số Đo lường tiến bộ hướng tới nền kinh tế xanh thực hiện bởi chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc”,…là những bộ tiêu chí được nhiều doanh nghiệp sử dụng hoặc đề xuất ứng dụng rộng rãi.

Từ tổng quan kinh nghiệm bộ tiêu chí của nhiều quốc gia và tại Việt Nam, Vinasme và nhóm chuyên gia Việt Nam và Nhật bản đã kế thừa bộ tiêu chí EcoAction 21 của Nhật Bản áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vinasme và nhóm chuyên gia Nhật Bản đang nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí phát triển bền vững cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với 3 phần chính: xã hội, môi trường, kinh tế và quản trị, trong đó tiêu chí xã hội có 42 chỉ tiêu, tiêu chí môi trường có 67 chỉ tiêu và 74 chỉ tiêu cho nhóm tiêu chí kinh tế/quản trị.

Ông Nam cho biết, quá trình hoàn thành bộ tiêu chí PTBV, Vinasme đã đi khảo sát rất nhiều doanh nghiệp, chia ra 5 nhóm doanh nghiệp để xác minh, thiết kế dưới dạng câu hỏi. Vinasme đã báo cáo Hội đồng khoa học Quốc gia và Bộ Khoa học Công nghệ đầu tháng 1/2022. Đây là bộ chỉ số rất phù hợp với 96% doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Nam cho biết, trên cơ sở Bộ tiêu chí phát triển bền vững, Vinasme đề nghị được phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và một số bộ ngành liên quan tổ chức Cuộc thi hàng năm với 3 mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về phát triển bền vững, các hoạt động phát triển bền vững; thúc đẩy các sáng kiến, ý tưởng sản xuất kinh doanh bền vững ở Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; tạo ra diễn đàn kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách trong thúc đẩy sản xuất xanh, phát triển bền vững; chuyển giao tri thức và công nghệ về phát triển bền vững của các nước phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Cuộc thi sẽ được tổ chức định kì 2 năm/ lần, với 3 vòng thi sơ khảo (thực hiện online), bán kết (tại 4 khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên), vòng chung kết (Hà Nội hoặc TP. HCM).

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đánh giá cao báo cáo của Vinasme và cho rằng, những việc làm ngay trong năm 2023 là song song với việc xây dựng bộ chỉ tiêu chung cho PTBV, Bộ KHCH sẽ phối hợp với Vinasme chọn lọc nhóm chỉ tiêu liên quan đến KH, CN và ĐMST trong thúc đẩy doanh nghiệp PTBV. Theo ông Duy, đề xuất tổ chức Cuộc thi là sáng kiến rất khả thi và phải xây dựng kế hoạch ngay, lấy các chỉ tiêu từ Bộ tiêu chí PTBV để chấm giải cho các DN tham dự đổi mới sáng tạo, hướng đến phát triển bền vững.

Tại phiên họp, nhiều đại biểu đề xuất giải pháp ban hành hệ thống chính sách phù hợp, đồng bộ để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết đối với giáo dục và đào tạo; sửa đổi, bổ sung ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; có chính sách đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng tăng cường ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, tiến tới làm chủ một số công nghệ mới; cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ KH&CN, gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành các trung tâm nghiên cứu và triển khai, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam;...

An Thảo