Nhiều yếu tố thúc đẩy xuất khẩu gạo tăng trong năm 2025 Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt cần làm gì để giữ thị phần tại Indonesia? Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục năm 2024, đối diện khó khăn trong năm 2025 |
![]() |
Việt Nam xuất khẩu 100.000 tấn gạo sang Bangladesh |
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hợp đồng xuất khẩu này được ký kết theo hình thức chính phủ với chính phủ (G2G) và do Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) cung cấp với giá 474,25 USD/tấn, cao hơn so với mặt bằng giá gạo trắng thông thường trên thị trường quốc tế, phản ánh sự ổn định về chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt Nam. Đề xuất mua hàng từ Bộ Lương thực Bangladesh đã được Ủy ban Quốc hội về Mua sắm công tại Dhaka phê duyệt vào ngày 28/1/2025.
Trong bối cảnh nước này đang triển khai Chương trình Bán hàng thị trường mở (OMS) từ tháng 2/2025, việc nhập khẩu số lượng lớn gạo trắng từ Việt Nam là một phần trong chiến lược bình ổn giá lương thực của Bangladesh. Theo đó, Chính phủ Bangladesh sẽ phân phối 907 tấn mỗi ngày tại 906 trung tâm trên toàn quốc, bao gồm Dhaka, các thị trấn, thành phố và các khu vực thâm dụng lao động.
Mỗi trung tâm sẽ bán 1 tấn mỗi ngày, ngoại trừ trung tâm Secretariat sẽ bán 2 tấn. Gạo sẽ có giá 30 Tk/kg (khoảng 243 USD/tấn), với hạn mức mua là 5 kg/người, giúp người thu nhập thấp có thể tiếp cận nguồn lương thực thiết yếu với giá cả hợp lý.
Là một trong những nước sản xuất lúa gạo lớn ở Nam Á, tuy nhiên Bangladesh vẫn phải nhập khẩu gạo trong một số thời điểm để cân đối cung cầu. Năm 2023, Bangladesh đã nhập khẩu gần 2 triệu tấn gạo từ các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar. Trong đó, Việt Nam đóng góp một phần không nhỏ với sản lượng xuất khẩu ổn định và chất lượng đảm bảo.
Bên cạnh đó, Chính phủ lâm thời Bangladesh đang cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thơm để tăng doanh thu, thúc đẩy thương mại và ngăn chặn tình trạng buôn lậu sang Ấn Độ, nơi gạo thơm được đổi tên và bán trên toàn cầu. Trước đó, quốc gia này đã xuất khẩu loại gạo này sang 136 quốc gia trước khi áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo vô thời hạn. Do đó, các quan chức chính phủ cho rằng sản lượng gạo thơm dư thừa là yếu tố chính khiến Bangladesh xem xét mở cửa lại thị trường xuất khẩu khi nước này đang trồng khoảng 33 loại gạo thơm khác nhau.
Nếu chính sách xuất khẩu gạo thơm được khôi phục, Bangladesh có thể tận dụng được tiềm năng lớn từ thị trường quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có nhu cầu tiêu thụ cao như Trung Đông, châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và cải thiện chuỗi cung ứng. Các giống lúa mới với năng suất cao, khả năng chống chịu tốt và chất lượng hạt gạo cải thiện đáng kể đã giúp Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan và Ấn Độ.
Thương vụ xuất khẩu 100.000 tấn gạo từ Việt Nam sang Bangladesh một lần nữa khẳng định vị thế của gạo Việt trên thị trường quốc tế. Ngoài Bangladesh, Việt Nam hiện cũng là đối tác cung ứng gạo quan trọng cho nhiều thị trường khác như Trung Quốc, Philippines, Indonesia và các quốc gia châu Phi.
Với các chính sách kiểm soát xuất khẩu từ các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, thương vụ này giúp Bangladesh đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời đây cũng là tín hiệu tích cực đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, khuyến khích nông dân đầu tư vào sản xuất lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và nâng cao giá trị kinh tế của hạt gạo Việt.
Năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt hơn 8 triệu tấn, mang lại kim ngạch gần 5 tỷ USD, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1/2025 đạt 547,4 nghìn tấn, giảm 6,1% so với tháng trước và giảm đến 10,7% so với cùng kỳ năm 2024. |