Bài liên quan |
Chiến lược đồng bộ để xuất khẩu gạo Việt Nam "đi đường dài" |
Nhu cầu ở mức cao, xuất khẩu gạo Việt có thể vượt mức 5 tỷ USD |
Chiều 19/12 tại Tokyo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực thị trường châu Á - châu Phi. Hội nghị, do Vụ Thị trường châu Á - châu Phi phối hợp tổ chức, tập trung thảo luận các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu và phát triển thương mại bền vững tại các thị trường khu vực này. Một trong những nội dung đáng chú ý tại hội nghị là tham luận của ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia, về thị trường gạo Indonesia và những thách thức, giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu gạo bền vững trong bối cảnh chiến lược tự chủ lương thực của Indonesia dưới thời tân Tổng thống Prabowo Subianto.
Năm 2023 và 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Indonesia được đánh giá có nhiều thuận lợi nhờ sản xuất lúa gạo tại Indonesia chịu tác động tiêu cực từ các hiện tượng thời tiết cực đoan và nguồn cung gạo thế giới thiếu hụt do El Niño. Tuy nhiên, những thuận lợi này chỉ mang tính ngắn hạn và có thể giảm sút khi sản xuất trong nước của Indonesia hồi phục. Việt Nam hiện đang giữ vị trí quan trọng tại thị trường Indonesia, với lợi thế về chất lượng gạo phù hợp, khoảng cách địa lý gần giúp giảm chi phí logistics, và khả năng cung ứng ổn định đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường này.
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt cần làm gì để giữ thị phần tại Indonesia? |
Dù vậy, xuất khẩu gạo Việt Nam đối diện với không ít thách thức. Chính phủ Indonesia đang đẩy mạnh chiến lược tự chủ lương thực, trong đó có các biện pháp hạn chế nhập khẩu gạo và tăng cường sản xuất trong nước thông qua phát triển vùng lúa chuyên canh, mở rộng hệ thống thủy lợi và diện tích trồng lúa. Ngoài ra, sự cạnh tranh gay gắt từ gạo Thái Lan cùng phân khúc và việc thương hiệu gạo Việt Nam chưa thực sự nổi bật tại Indonesia cũng là những rào cản lớn. Hiện nay, gạo Thái Lan đã có chỗ đứng vững chắc tại các siêu thị Indonesia với thương hiệu dễ nhận biết, trong khi gạo Việt Nam như ST25 vẫn chưa được quảng bá rộng rãi.
Để duy trì và phát triển xuất khẩu gạo bền vững, Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng gạo, đặc biệt ở phân khúc gạo thơm hạt dài cao cấp, gạo nếp, và gạo japonica. Việc đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các dòng gạo hữu cơ và chế biến sâu từ lúa gạo như bún khô, bánh tráng, và các sản phẩm khác cũng là hướng đi đầy tiềm năng. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về kiểm dịch, duy trì chất lượng sản phẩm ổn định, và đáp ứng đúng tiến độ giao hàng. Quan trọng hơn, việc xây dựng thương hiệu bài bản cho gạo Việt Nam cần được chú trọng, kết hợp sử dụng các kênh quảng bá hiện đại như mạng xã hội, tham gia hội chợ nông sản, và tận dụng mạng lưới doanh nghiệp Việt kiều.
Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục hỗ trợ nông dân, thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tập trung cho xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt Nam. Việc tổ chức định kỳ các sự kiện như Festival lúa gạo quốc tế cũng là cơ hội tốt để quảng bá gạo Việt trên thị trường toàn cầu.
Về phía Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, đơn vị cam kết theo dõi sát sao diễn biến thị trường, kịp thời cung cấp thông tin về các thay đổi chính sách của Indonesia, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp và thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Indonesia hứa hẹn sẽ tiếp tục giữ vững vị thế và phát triển bền vững trong tương lai.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 6 năm nay, nước ta xuất khẩu sang Indonesia hơn 712.400 tấn gạo, thu về 444,4 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu sang thị trường này tăng 44,6% về lượng và tăng mạnh 82,1% về giá trị. Thị trường Indonesia chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta trong nửa đầu năm nay, đồng thời là khách hàng lớn thứ hai (chỉ sau Philippines) của gạo Việt Nam. Hồi tháng 7/2024, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia đã cập nhật nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này, dự báo sẽ tăng lên 5,18 triệu tấn trong năm 2024 thay vì 3,6 triệu tấn Chính phủ đã cấp giấy phép nhập khẩu trước đó. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Indonesia có khả năng sẽ bất lợi trước việc Cơ quan Hậu cần quốc gia (Bulog - cơ quan được phân giao thu mua gạo thầu quốc tế của Chính phủ) và Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia bị tổ chức dân sự People's Democracy Study (SDR) khiếu kiện lên Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (KPU). |