Bài liên quan |
Tiến tới sửa đổi quy định về xuất khẩu gạo |
Thúc đẩy đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu gạo Việt |
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 831/QĐ-BCT ngày 21/3/2025 về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là động thái quan trọng trong bối cảnh thị trường lúa gạo đang chịu nhiều biến động, nhằm đảm bảo tính minh bạch, ổn định cung cầu và bảo vệ lợi ích của người sản xuất.
Đoàn kiểm tra sẽ tập trung rà soát việc thực hiện các quy định pháp luật theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Nghị định số 01/2025/NĐ-CP. Nội dung kiểm tra bao gồm tình hình thu mua, dự trữ và lưu thông lúa gạo của các thương nhân xuất khẩu; việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý liên quan đến xuất nhập khẩu gạo; kiểm soát gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa và các hành vi thao túng thị trường. Phạm vi kiểm tra áp dụng từ tháng 9/2024 đến hết tháng 2/2025, với thời gian thực hiện trực tiếp từ ngày 25/3 đến 28/3/2025. Kết quả kiểm tra sẽ được tổng hợp và báo cáo lên Chính phủ trước ngày 31/3/2025.
![]() |
Lập đoàn kiểm tra liên ngành về xuất khẩu gạo |
Theo Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 11/3/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm giám sát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu gạo. Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, rà soát cung cầu và diễn biến giá cả trên thị trường, đồng thời đề xuất các giải pháp phù hợp để duy trì ổn định thị trường xuất khẩu gạo. Trước đó, Công điện số 21/CĐ-TTg ngày 4/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát tình trạng thao túng giá, đảm bảo cân đối cung cầu và duy trì tính bền vững của ngành xuất khẩu gạo.
Nhằm triển khai hiệu quả đợt kiểm tra, Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 253/XNK-NH ngày 21/3/2025 gửi Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn các tỉnh trọng điểm như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang để phối hợp thực hiện. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng tham gia giám sát nhằm đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật. Có tổng cộng 44 doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra, với yêu cầu chấp hành đầy đủ các quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo, cung cấp hồ sơ, tài liệu minh bạch, không thực hiện gian lận thương mại, thao túng giá cả hoặc lách luật. Các doanh nghiệp cũng phải phối hợp chặt chẽ với đoàn kiểm tra, đảm bảo sự trung thực và chính xác trong cung cấp thông tin.
Trong bối cảnh thị trường gạo có nhiều biến động, Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn thiện sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP và Nghị định 01/2025/NĐ-CP theo trình tự rút gọn, dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2025. Việc sửa đổi này nhằm cập nhật các quy định phù hợp với thực tế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động minh bạch, hiệu quả, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.