Bài liên quan |
Bộ Tài chính đề nghị bỏ việc giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa từ 1/7/2026 |
Theo ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Việt Nam đang từng bước xây dựng khái niệm về tài sản mã hóa phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong dự thảo Nghị quyết về thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa, các cơ quan nghiên cứu đã bám sát định nghĩa của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính Quốc tế (FATF) và nhiều tổ chức khác. Cách tiếp cận của Việt Nam tương đồng với nhiều quốc gia, khi không công nhận tài sản mã hóa là phương tiện thanh toán trong giai đoạn đầu.
Về tiêu chí niêm yết tài sản trên các sàn giao dịch số, ông Hòa cho biết Việt Nam dự kiến sẽ trao quyền cho các sàn giao dịch tự lựa chọn tài sản để niêm yết. Tuy nhiên, quyết định này phải được báo cáo và phê duyệt bởi các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước. Điều này nhằm đảm bảo các tài sản niêm yết có giá trị thực, thanh khoản cao và tránh rủi ro gian lận.
![]() |
Việt Nam không công nhận tài sản mã hóa là phương tiện thanh toán |
Liên quan đến chính sách thuế, ông Hòa nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau, tùy theo đặc thù thị trường. Cơ quan quản lý đang thận trọng trong việc nghiên cứu phương án phù hợp, với nhiệm vụ được giao cho Bộ Tài chính. Chính sách thuế dự kiến sẽ sớm được công bố nhằm đảm bảo tính minh bạch cho nhà đầu tư và các tổ chức liên quan.
Đối với tài sản văn hóa mang đặc tính chứng khoán, ông Hòa cho biết Việt Nam sẽ chưa cho phép phát hành loại hình này trong giai đoạn thí điểm. Ông nhấn mạnh rằng đây là thời điểm thử nghiệm, đúc kết kinh nghiệm và bài học, do đó cần đảm bảo tính ổn định và an toàn cho thị trường tài chính truyền thống.
Về quản lý hoạt động của các sàn giao dịch tài sản số, ông Hòa cho biết cơ quan soạn thảo đã xây dựng một sơ đồ tiêu chuẩn rất chi tiết, bao gồm các quy trình và quy chế hoạt động của sàn. Các sàn giao dịch phải cung cấp đầy đủ các quy trình này nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt, đồng thời bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Đặc biệt, vấn đề an ninh, bảo mật và bảo vệ tài sản của nhà đầu tư được nhấn mạnh như một trong những ưu tiên hàng đầu.
Việt Nam đang từng bước tiếp cận tài sản mã hóa với thái độ thận trọng nhưng cũng đầy tiềm năng. Việc xây dựng khung pháp lý chặt chẽ sẽ góp phần tạo ra một thị trường minh bạch, an toàn, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số.