Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á về chỉ số Chính phủ điện tử. |
Mới đây, Liên Hợp Quốc đã công bố báo cáo Khảo sát Chính phủ điện tử 2024, vẽ nên bức tranh toàn cảnh về quá trình chuyển đổi số trong Chính phủ của các quốc gia trên toàn thế giới. So với vài năm trước, ngày càng có nhiều quốc gia sử dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ số tiện lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Việt Nam đã ghi nhận bước tiến đáng kể khi tăng 15 bậc về chỉ số Chính phủ điện tử (EGDI) trong đánh giá năm nay của Liên Hợp Quốc, vươn lên vị trí thứ 71 trên tổng số 193 quốc gia tham gia khảo sát. Đây là một bước nhảy vọt sau hai kỳ đánh giá giữ nguyên thứ hạng 86. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đứng thứ 5/11, tăng một bậc so với năm 2022.
Theo báo cáo, Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia có chỉ số Chính phủ điện tử rất cao, với 0,7709 điểm. Sự thăng hạng này phản ánh sự thành công trong việc phát triển hạ tầng số, mở rộng kết nối Internet và áp dụng các mô hình chính phủ điện tử hiệu quả. Liên Hợp Quốc đặc biệt ghi nhận nỗ lực đầu tư mạnh mẽ của Việt Nam vào việc cải thiện dịch vụ công trực tuyến, điều này góp phần không nhỏ vào kết quả khả quan của quốc gia trong lần đánh giá này.
Bên cạnh chỉ số Chính phủ điện tử, Việt Nam cũng có chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) rất cao. Điều này được Liên Hợp Quốc đánh giá là tiền đề quan trọng để đẩy nhanh quá trình phát triển kỹ thuật số, đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và phát triển nguồn nhân lực.
Báo cáo Khảo sát Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm dịch vụ Chính phủ trực tuyến, cơ sở hạ tầng viễn thông, khả năng hiểu biết của dân số trưởng thành và mức độ tham gia kỹ thuật số của người dân. Châu Âu vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu về phát triển Chính phủ điện tử, tiếp theo là châu Á, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi.
Dù tất cả các khu vực đã đạt được tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây, tốc độ phát triển không đồng đều và tồn tại chênh lệch giữa các khu vực.
Liên Hợp Quốc cho biết, tỷ lệ dân số chưa tiếp cận được dịch vụ Chính phủ điện tử đã giảm từ 45% năm 2022 xuống còn 22,4% vào năm 2024. Tuy nhiên, vẫn còn 1,73 tỷ người trên thế giới chưa được tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật số cơ bản.
Đan Mạch, Estonia, Singapore, Hàn Quốc và Iceland là những quốc gia đứng đầu trong danh sách 20 quốc gia có dịch vụ công kỹ thuật số phát triển nhất, dựa trên Chỉ số Phát triển Chính phủ Điện tử.
Năm nay, báo cáo còn bao gồm một chương về tác động tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo (AI) đến lĩnh vực công.
Ông Vincenzo Aquaro, phụ trách mảng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, cho biết, mặc dù trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tự động hóa các quy trình, nâng cao hiệu quả và cải thiện việc ra quyết định, nhưng sự phát triển của công nghệ này đang vượt xa các khung pháp lý hiện có.
Theo ông Aquaro, số nước đã có quy định về AI vẫn ít hơn nhiều so với các có chiến lược Chính phủ điện tử tốt, cho thấy cần đồng bộ nỗ lực giữa các quy định AI và khung Chính phủ điện tử hiện hành, đồng thời phải đưa AI vào các chiến lược chính phủ điện tử để bảo đảm thực thi hiệu quả, tránh xung đột về quản trị.
Báo cáo khuyến nghị số hóa hoàn toàn các dịch vụ công và cải thiện hạ tầng viễn thông; cải thiện môi trường pháp lý cho việc phát triển kỹ thuật số, đặc biệt với các công nghệ tiên phong như AI, đám mây, cấp phép dữ liệu mở, danh tính kỹ thuật số; thúc đẩy và tạo điều kiện để công chúng tham gia vào việc lên chính sách, ra quyết định.