TS. Đặng Đức Anh: Phát triển dài hạn cần phải tháo điểm nghẽn thể chế Dữ liệu sẽ quyết định thắng cuộc trong cuộc đua công nghệ và trí tuệ nhân tạo |
Trong bối cảnh cách mạng số đang thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội, Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC cho rằng, Việt Nam sẽ không thể bứt phá nếu tiếp tục duy trì tư duy truyền thống trong ứng dụng khoa học công nghệ. Vì chuyển đổi cần xuất phát từ nhu cầu thị trường và doanh nghiệp thay vì chỉ dựa vào nghiên cứu hàn lâm.
Theo Chủ tịch Tập đoàn CMC, trong nhiều năm qua, khoa học công nghệ Việt Nam phát triển theo hướng "từ phòng thí nghiệm đến thị trường", tức là sản xuất ra công nghệ rồi mới tìm đầu ra. Nhưng ở thời đại số, cách làm đó càng lâu càng lộ rõ nhược điểm. Các doanh nghiệp cần công nghệ giải quyết ngay bài toán cụ thể, đòi hỏi quy trình đổi mới linh hoạt và định hướng từ nhu cầu thực tế.
Tập đoàn CMC đã đầu tư viện nghiên cứu riêng trong suốt 10 năm, đến nay đứng sau hầu hết các công nghệ lõi mà doanh nghiệp sở hữu. Theo ông Nguyễn Trung Chính, CMC đã đạt được những bước nhảy về chất trong chỉ một năm qua: "Chúng tôi sở hữu những công nghệ được xếp top 12 thế giới."
![]() |
Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC |
Đặc biệt, tháng trước CMC vừa ra mắt công nghệ nén hình ảnh giúc loại bỏ hoàn toàn nhu cầu lưu trữ dữ liệu thô. Điều này mở ra khả năng xử lý dữ liệu lớn mà không phụ thuộc vào hạ tầng lưu trữ cổ điển, tiết kiệm chi phí và gia tăng hiệu suất.
Hiện nay, CMC đang đưa các sản phẩm AI sang Nhật, Hàn và nhiều thị trường quốc tế, chứng tỏ năng lực cạnh tranh toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam nếu được trao cơ hội và đầu tư đúng mức.
Ông Nguyễn Trung Chính nhận định, trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ đóng vai trò nâng cao hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp, mà còn đang trở thành nền tảng cốt lõi cho mô hình cung cấp dịch vụ công kiểu mới. Một ví dụ điển hình là ứng dụng VNeID đã tích hợp AI để tự động trả lời các câu hỏi pháp lý cho người dân, góp phần minh bạch hóa thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính và mở ra tiềm năng lớn trong việc xây dựng chính phủ thông minh, hiện đại.
Trong hành trình chuyển đổi số, dữ liệu không chỉ là nguyên liệu đầu vào mà còn là "trái tim" của hệ thống vận hành thông minh. Mọi quyết định, từ hoạch định chính sách cho tới điều hành doanh nghiệp, cần được xây dựng trên nền tảng phân tích dữ liệu chuyên sâu, thay vì chỉ dựa vào cảm tính hay các báo cáo định tính thiếu chiều sâu.
Muốn đạt được điều đó, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng một hệ thống dữ liệu liên thông, có độ bảo mật cao và đáng tin cậy. Chỉ khi dữ liệu trở thành tài sản chung của quốc gia và được khai thác hiệu quả, quá trình chuyển đổi số mới có thể đi vào thực chất.
Đầu tiên, xác định trọng tâm để chuyển đổi số hiệu quả và bền vững. Phát triển AI và khoa học công nghệ xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp. Thay vì phát minh công nghệ rồi mới tìm đầu ra, Việt Nam cần một tư duy "ngược": Bắt đầu từ bài toán thực tế của doanh nghiệp để dẫn dắt đổi mới công nghệ. Cách tiếp cận này giúp rút ngắn khoảng cách từ phòng lab đến thị trường, và đảm bảo công nghệ thực sự hữu dụng.
Thứ hai, trao quyền và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ. Doanh nghiệp là động lực chính trong chuyển đổi số. Việc tăng cường cơ chế tự chủ, đồng thời ban hành chính sách ưu đãi cụ thể, từ tài chính đến đào tạo sẽ khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ mới.
Thứ ba, đẩy mạnh tích hợp AI vào các dịch vụ công như VneID. Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong dịch vụ công không chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục, mà còn nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Các ứng dụng như VNeID là ví dụ tiêu biểu cho việc AI có thể cải thiện khả năng tiếp cận pháp luật, hành chính công một cách hiệu quả và bình đẳng.
Thứ tư, xử lý dứt điểm tình trạng chồng chéo trong mô hình chính quyền hai cấp. Mô hình chính quyền hai cấp nếu thiếu rõ ràng sẽ làm trì trệ triển khai chính sách. Cần cơ chế phối hợp hiệu quả, giảm trùng lắp thẩm quyền, nhằm đảm bảo luồng chỉ đạo và thông tin được thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Cuối cùng, xây dựng chính phủ số dựa trên dữ liệu và phân tích chuyên sâu. Chính phủ số không thể vận hành hiệu quả nếu thiếu hệ thống dữ liệu tập trung và công cụ phân tích hiện đại. Các quyết định chính sách cần được số hóa quy trình từ khâu thu thập – xử lý – đánh giá, tạo tiền đề cho một nền quản trị minh bạch và linh hoạt.