Cải cách hành chính và chuyển đổi số: Không thể tách rời
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn quốc, ngành Tài chính tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong với những bước đi mạnh mẽ, thực chất trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ và hiện đại hóa quản lý. Với việc Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng ban hành Chỉ thị mới yêu cầu toàn toàn ngành Tài chính tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, thực hiện chuyển đổi số và triển khai hiệu quả Đề án 06 về phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, ngành Tài chính một lần nữa khẳng định quyết tâm trở thành “xương sống” trong công cuộc xây dựng Chính phủ số.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Chỉ thị là yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tổ chức triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ trong loạt văn bản lớn như Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 71/NQ-CP và Nghị định 88/2025/NĐ-CP. Theo đó, chuyển đổi số không đơn thuần là ứng dụng công nghệ, mà phải gắn liền với cải cách thể chế, tinh giản bộ máy và tái cấu trúc toàn diện quy trình nghiệp vụ.
Ngành Tài chính đặt mục tiêu đến hết tháng 6/2025, 100% thủ tục hành chính phải thực hiện trực tuyến không phụ thuộc vào địa giới hành chính cấp tỉnh. Đồng thời, các thủ tục hành chính phải được cắt giảm tối thiểu 30% về thời gian xử lý, chi phí và điều kiện kinh doanh không cần thiết. Đây là một trong những mức cắt giảm sâu nhất từ trước tới nay trong cải cách hành chính.
Đề án 06 về phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là xương sống của chuyển đổi số quốc gia. Trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, Đề án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi liên quan đến tất cả các hoạt động từ thu, chi ngân sách, quản lý thuế, hải quan, bảo hiểm cho đến giám sát đầu tư công.
Trước đó, thông tin tại cuộc họp ngày 19/6 tại trụ sở Bộ Tài chính nhằm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thuộc Đề án 06, rà soát tiến độ thực hiện và tháo gỡ các vướng mắc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng nhấn mạnh: “Cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số chỉ thực sự hiệu quả khi dữ liệu giữa các hệ thống được liên thông, khai thác đồng bộ, phục vụ tốt cho công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp”.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thuộc Đề án 06, rà soát tiến độ thực hiện và tháo gỡ các vướng mắc - Ảnh: MOF |
Tính đến tháng 6/2025, Bộ Tài chính đã hoàn thành 5/12 nhiệm vụ trọng tâm được giao theo Thông báo số 3721/TB-TCT, trong đó nổi bật là mở rộng sử dụng dữ liệu định danh điện tử, tái cấu trúc thủ tục hành chính và số hóa 116 cơ sở dữ liệu ngành. Các nhiệm vụ còn lại đang được triển khai theo 5 nhóm then chốt: tái cấu trúc, liên thông, làm sạch dữ liệu, tích hợp dịch vụ công, chuẩn hóa hạ tầng và kết nối dữ liệu với Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Theo Cục Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số, hiện Bộ đã gửi báo cáo nhu cầu sử dụng và phương án di chuyển hệ thống về Trung tâm dữ liệu quốc gia. Việc này không chỉ đảm bảo an toàn thông tin mà còn tạo nền tảng liên thông dữ liệu giữa các cơ quan, hướng tới một hệ sinh thái tài chính số liền mạch, xuyên suốt.
Chuyển đổi số ngành Tài chính không chỉ dừng lại ở số hóa quy trình, mà còn là tái kiến trúc toàn bộ hệ thống vận hành. Theo chỉ đạo, các hệ thống cốt lõi như VNACCS/VCIS, TABMIS, TMS, hệ thống ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài sản công, bảo hiểm… đều đang được nghiên cứu nâng cấp để đáp ứng linh hoạt nghiệp vụ hiện tại và tương lai. Các giải pháp mới sẽ tích hợp công nghệ tiên tiến như Big Data, AI, Blockchain – không chỉ để tự động hóa mà còn phân tích dữ liệu nâng cao, hỗ trợ ra quyết định nhanh và chính xác. Đồng thời, hệ thống cũ vẫn phải duy trì hoạt động ổn định đến khi hệ thống mới hoàn toàn vận hành, tránh gián đoạn trong quản lý và phục vụ người dân.
Đặc biệt, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh ngành Tài chính đang được đẩy nhanh xây dựng với khả năng tổng hợp dữ liệu theo thời gian thực, giúp lãnh đạo Bộ đưa ra quyết định quản trị kịp thời, hiệu quả hơn.
Hướng tới Chính phủ số, phục vụ nhân dân
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là chất lượng và sự liên thông của dữ liệu, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng khẳng định: “Khi những lỗ hổng dữ liệu trở thành lỗ hổng quản lý, và mỗi doanh nghiệp ‘ảo’ có thể là khởi nguồn của những vụ gian lận thật, thì việc kiến tạo một hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ là yêu cầu cấp thiết”.
Do đó, việc chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế gắn với định danh cá nhân, số hóa tài liệu lưu trữ, tích hợp giấy tờ điện tử thay thế bản giấy… đang được các đơn vị đẩy mạnh. Việc “làm sạch” dữ liệu, tích hợp chia sẻ giữa các hệ thống là điều kiện tiên quyết để vận hành hiệu quả các dịch vụ công, chống gian lận thuế, minh bạch hóa tài sản và tối ưu quản trị nhà nước.
![]() |
Ngành Tài chính quyết liệt triển khai Đề án 06, hướng tới nền tài chính số hiện đại - Ảnh minh hoạ |
Trong khối các lĩnh vực đặc thù, hải quan và thuế được yêu cầu triển khai thủ tục hành chính theo hướng “toàn trình số”, không giấy tờ, không tiếp xúc. Các hoạt động như thông quan, khai báo hải quan, quyết toán thuế… đều phải xử lý trực tuyến, hạn chế tối đa việc doanh nghiệp phải “gõ cửa” cơ quan công quyền. Lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng được yêu cầu cải cách toàn diện. Những chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến người dân như ốm đau, thai sản, phục hồi sức khỏe… sẽ được triển khai số hóa toàn trình, rút ngắn thời gian giải quyết và nâng cao mức độ hài lòng của người dân.
Tất cả những nỗ lực này đều quy về một mục tiêu xuyên suốt: xây dựng một nền tài chính số hiện đại, minh bạch, hiệu quả, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Dự kiến đến tháng 2/2026, Bộ Tài chính sẽ tích hợp toàn bộ dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, không duy trì cổng riêng cấp Bộ, đúng tinh thần một cửa, một điểm đến.
Việc chuyển đổi số ngành Tài chính không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn là bước đi chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Khi dịch vụ công thực hiện không phân biệt địa giới, khi dữ liệu đầy đủ, chính xác, thông suốt, khi mỗi người dân có thể giải quyết thủ tục tài chính chỉ qua một chiếc điện thoại thông minh, đó cũng là lúc ngành Tài chính hoàn thành sứ mệnh làm “bệ đỡ” cho Chính phủ số và nền kinh tế số phát triển bền vững./.