Bài liên quan |
Thủ tướng yêu cầu cắt giảm mạnh thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh |
Thủ tục hành chính rườm rà gây chậm tiến độ, tăng giá nhà ở |
Sáng 27/5, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch và giải pháp đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến tập trung trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Mục tiêu là hướng tới một nền hành chính hiện đại, phi địa giới hành chính, trong đó doanh nghiệp có thể thực hiện mọi thủ tục hành chính một cách thông suốt, minh bạch, không bị giới hạn bởi địa bàn cư trú hay đăng ký kinh doanh.
Theo Cục Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số (Bộ Tài chính), hiện Bộ đang quản lý 949 thủ tục hành chính thuộc 22 lĩnh vực, với tổng số 991 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó có 490 dịch vụ toàn trình, 137 dịch vụ một phần và 364 dịch vụ cung cấp thông tin.
Đáng chú ý, việc xây dựng mô hình thủ tục hành chính “phi địa giới hành chính” đang mở ra hướng đi mới cho cộng đồng doanh nghiệp: mọi tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ, theo dõi và nhận kết quả ở bất kỳ đâu, không cần phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh hay trụ sở chính.
"Doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh có thể thực hiện thủ tục của Bộ Tài chính tại Hà Nội, hoặc ngược lại. Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí, thời gian, mà còn góp phần xóa bỏ rào cản hành chính và thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ trên toàn quốc", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
![]() |
Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp không phụ thuộc địa giới hành chính |
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định: “Chuyển đổi số không chỉ là xu thế mà còn là giải pháp căn cơ để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh sắp xếp lại chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, dịch vụ công trực tuyến phi địa giới hành chính là chìa khóa để duy trì hiệu quả và tính liên tục trong giải quyết thủ tục hành chính.”
Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm:
Trước ngày 10/6/2025, các đơn vị chuyên môn phải hoàn tất cập nhật toàn bộ thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến phù hợp với mô hình bỏ cấp huyện, đảm bảo 100% thủ tục hành chính với doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến và thông suốt ở cấp tỉnh.
Trước ngày 25/6/2025, hệ thống hạ tầng công nghệ cần được nâng cấp đồng bộ, đảm bảo không gián đoạn khi chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền.
Cuối năm 2025, tất cả dữ liệu, quy trình thủ tục sẽ được kết nối và tích hợp vào Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đặt mục tiêu cụ thể: Giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, giảm 30% chi phí tuân thủ, và bãi bỏ tối thiểu 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết trong năm 2025. Đây là bước đi mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch và thích ứng với các biến động toàn cầu.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức đang cản trở quá trình chuyển đổi số như hạ tầng kỹ thuật chưa đồng đều giữa các địa phương, năng lực cán bộ còn hạn chế và thiếu sự liên thông dữ liệu giữa các cấp hành chính. Ông đề nghị Cục Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số khẩn trương chủ trì kết nối, đồng bộ cơ sở dữ liệu và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để xây dựng phương án ứng phó sự cố hệ thống.
Ngoài ra, công tác đào tạo cán bộ, chuẩn hóa quy trình, biểu mẫu, và truyền thông hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng là những nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn tới.
Với việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến phi địa giới hành chính, Bộ Tài chính đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nền hành chính phục vụ, hiện đại và minh bạch, trong đó doanh nghiệp là đối tượng được ưu tiên tối đa về trải nghiệm, hiệu quả và chi phí.