(Ảnh minh họa: Shutterstock)
Tốc độ già hóa dân số tăng nhanh
Mặc dù dân số Việt Nam chỉ có tuổi trung bình là 26. Nhưng tốc độ già hóa lại đang diễn ra nhanh chóng. Những người trên 60 tuổi đang chiếm khoảng 12% dân số, và được dự báo sẽ tăng lên đến 21% vào năm 2040, một trong những mức tăng nhanh nhất trên thế giới.
Điều đó một phần là vì tuổi thọ bình quân của người Việt đã tăng từ 60 tuổi năm 1970 lên 76 tuổi hiện nay, nhờ thu nhập gia tăng. Bên cạnh đó, mức sống tăng lên cũng đã làm giảm tỷ lệ sinh trong cùng khoảng thời gian từ khoảng 7 trẻ em trên một phụ nữ xuống còn hai trẻ. Một trong những lý do của sự suy giảm nhanh chóng này là chính quyền ĐCSVN đã thực thi chính sách một con vào những năm 1980. Mặc dù ít nghiêm ngặt hơn so với Trung Quốc, nhưng điều này cũng đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ sinh của Việt Nam.
Nhân khẩu học đang thay đổi theo những cách tương tự tại nhiều nước châu Á khác. Tuy nhiên, khác biệt ở Việt Nam là nó xảy ra trong khi đất nước vẫn còn nghèo.
Khi tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động tăng lên cao nhất ở Hàn Quốc và Nhật Bản, GDP bình quân đầu người (theo sức mua thực tế) của hai quốc gia này lần lượt đứng ở mức 32.585 USD và 31.718 USD. Ngay cả Trung Quốc cũng đã đạt được mức 9.526 USD. Ở Việt Nam, khi đạt được cột mốc tương tự vào năm 2013, thu nhập trung bình chỉ là 5.024 USD. Trong khi Indonesia và Philippines dự kiến sẽ đạt được “tỷ lệ vàng” dân số trong vài thập kỷ tới, với mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với Việt Nam.
Đặt ra nhiều thách thức
Sự thay đổi trong nhân khẩu học này đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Thứ nhất, liệu chính phủ có khả năng hỗ trợ cho hàng triệu người trong độ tuổi già? Hiện chỉ có những người rất nghèo và người trên 80 tuổi (tổng cộng chiếm khoảng 30% số người già) là được hưởng tiền trợ cấp với khoảng vài trăm nghìn đồng/tháng.
Cuộc khảo sát gần đây nhất trên những người già, vào năm 2011, chỉ ra rằng có đến 90% trong số họ không có khoản tiền tiết kiệm nào đáng kể, trong khi nợ là phổ biến.
Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam vẫn thuộc nhóm trung bình thấp. (Ảnh: Shutterstock)
Do đó, việc hỗ trợ người già trở nên tiêu tốn hơn bao giờ hết. IMF dự báo chi phí hưu trí, ở mức hiện tại, có thể làm tăng tỷ lệ chi tiêu của chính phủ/GDP lên 8 điểm phần trăm vào năm 2050 – mức nhanh nhất trong số 12 quốc gia châu Á được IMF khảo sát.
Vấn đề còn nghiêm trọng hơn ở vùng nông thôn, nơi mà hầu hết là người già đang sinh sống. Nếu như trước đây người trẻ sẽ phụng dưỡng cha mẹ khi về già, thì nay họ có xu hướng rời bỏ cuộc sống làng quê để lên thành phố kiếm sống. Khảo sát cho thấy tỷ lệ người già sống một mình đang tăng lên đáng kể, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Nhiều người già vẫn còn làm lụng để kiếm sống cho đến khi họ mất.
Việt Nam hiện có khoảng 40% nam giới ở nông thôn đang ở độ tuổi 75, cao hơn gấp đôi tỷ lệ ở khu vực thành thị. Trong khi ở Anh tỷ lệ này chỉ là 3%. Thường thì họ làm các công việc chân tay nặng nhọc như trồng lúa hoặc đánh bắt cá.
Một lo ngại khác là vấn đề đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người già. Bệnh Alzheimer, bệnh tim và các bệnh liên quan đến tuổi già đang ngày càng tăng lên nhanh chóng. Trong khi có khoảng 1/3 số người già ngoài 60 tuổi không có bảo hiểm y tế, gây áp lực lớn về chi phí điều trị. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện tại các tỉnh vẫn chưa có khoa lão chuyên biệt dành cho người già.
Chưa hết, ước tính số dư Quỹ Bảo hiểm Y tế còn chưa tới 40.000 tỷ đồng trong khi đã bội chi hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, với tốc độ này, cơ quan chức năng cho biết quỹ chỉ còn đảm bảo cân đối đến năm 2021.
Giải pháp của chính phủ
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đang bắt đầu thực thi các chính sách để giảm gánh nặng tài chính và cải thiện đời sống cho người cao tuổi. Theo đó, vào tháng 5/2018, Chính phủ đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ và 60 lên 62 tuổi đối với nam giới, và cải cách chương trình lương hưu để cung cấp bảo hiểm đến nhiều người hơn nữa. Dự kiến trong năm tới, Chính phủ cũng sẽ xem xét lại toàn bộ hệ thống bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Chính phủ sẽ thay đổi cấu trúc nền kinh tế hiện tại – vốn là điều quan trọng trong cải cách. Thông thường, khi các quốc gia leo lên bậc thang thu nhập, họ có xu hướng chuyển từ canh tác nông nghiệp sang các lĩnh vực có năng suất cao hơn, như dịch vụ. Bằng thước đo này, Việt Nam đang tụt hậu so với các nước láng giềng.
Cụ thể, vào thời kỳ dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh vào năm 2013, lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam chiếm tới 18% toàn bộ nền kinh tế. Cùng thời điểm đó ở Trung Quốc, nông nghiệp chỉ chiếm 10% GDP. Đáng ngại hơn nữa, sản lượng sản xuất của nông dân đang có xu hướng giảm dần theo độ tuổi, chứ không giống như điều mà các quan chức hay nói.
Sự phụ thuộc quá mức vào nông nghiệp phần nào giải thích lý do tại sao có tới 3/4 số lao động Việt Nam làm việc trong công việc mà họ trở nên kém hiệu quả hơn khi họ già đi. Trong khi ở Malaysia, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 1/2 lực lượng lao động.
Tăng năng suất sẽ chỉ là lời nói suông chừng nào Chính phủ vẫn còn gắn bó với chủ nghĩa xã hội. Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp nhà nước – khu vực hoạt động kém hiệu quả nhất – lại đang chiếm lĩnh nhiều ngành công nghiệp. Trong khi đó, hầu hết sinh viên đại học đều lãng phí ít nhất một năm để học lý thuyết Mác – Lenin.
Dân số nhiều nước ở châu Á đều đang già đi một cách nhanh chóng. Nhưng già đi trước khi trở nên giàu có làm cho các vấn đề của Việt Nam càng lớn hơn.
Tường Văn (theo The Economist,)