VCCI kiến nghị 8 giải pháp lớn để phục hồi, phát triển doanh nghiệp

16:20 22/08/2022

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh; có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn công tác của Quốc hội mới đây đã có buổi làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc.

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- Phạm Tấn Công; đại diện Thường trực các Ủy ban Kinh tế, Pháp luật, Tài chính - Ngân sách, Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân…

Báo cáo với Đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, VCCI đã hoàn thành tốt các phương hướng, nhiệm vụ công tác do Đảng, Nhà nước giao. Các hoạt động luôn được cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng theo hướng chuyên nghiệp hoá, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Vai trò của VCCI trong tham gia xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ngày càng được khẳng định và đề cao.

Đối với tình hình của doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI nhận định, sau một năm đầy khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp dưới tác động của đại dịch COVID-19 trong năm 2021, bước sang năm 2022, khu vực doanh nghiệp đã có những bước phát triển tích cực. Thị trường, đặc biệt là thị trường nội địa của các doanh nghiệp trong một số ngành phục hồi trên 75-85% so với thời điểm trước dịch bệnh, trong đó một số ngành như dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành có dấu hiệu phục hồi rõ nét.

Đại diện nhiều hiệp hội, doanh nghiệp tham dự cuộc làm việc nhận định, Nghị quyết 43/2022/QH15 là chính sách quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Các quy định trong các văn bản hướng dẫn, bám sát tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15, xác định “trúng và đúng” đối tượng cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, xét về tính kịp thời, Nghị quyết 43 có hiệu lực từ ngày 11/1/2022, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ ban hành có độ trễ nhất định. Thống kê về số vốn giải ngân so với kế hoạch cho thấy, tốc độ giải ngân vẫn còn rất chậm. Nếu thực hiện giải ngân tốt hơn sẽ hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Một số ý kiến lưu ý, tiếp cận “nguồn vốn rẻ” (với mức lãi suất hỗ trợ 2%) cũng khá khó khăn với nhiều doanh nghiệp, do các điều kiện quy định cho vay khó đáp ứng được như phải có tài sản bảo đảm để thế chấp. Bên cạnh đó, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đang có xu hướng tăng, dẫn đến lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Thời gian gần đây, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay 1-2% so với trước. Như vậy, khi lãi suất cho vay tăng thì việc ưu đãi lãi suất 2% của chính sách hỗ trợ sẽ giảm đi tính “hỗ trợ” cho các doanh nghiệp.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Bên cạnh những nỗ lực đạt được, trong quá trình phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh thời gian, cộng đồng doanh nhiệp tiếp tục phản ánh về tình trạng khó nhận được hỗ trợ từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19. Thực tế cho thấy vẫn còn tồn tại mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo ra “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư.

Để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp những tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023, VCCI kiến nghị 8 giải pháp lớn cần thực hiện. Cụ thể như sau:

Một là: Tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh. Vẫn còn nhiều phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp về tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo ra “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư.

Hiện nay, một số dự thảo luật quan trọng, tác động đến hoạt động đầu tư kinh doanh đang được soạn thảo như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Đây là cơ hội tốt để nhìn hệ thống pháp luật kinh doanh một cách tổng thể, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo đang tồn tại ở pháp luật hiện hành, cũng như là cơ hội lắng nghe ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp – đối tượng thụ hưởng, thực thi các chính sách.

Vì vậy, đề nghị quá trình xây dựng các dự thảo cần tiếp tục tham vấn rộng rãi, công khai với cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý cần được minh bạch để tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh.

Hai là: Tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước. Theo VCCI, không gian để Nhà nước thực hiện các giải pháp này vẫn còn khá lớn, ví dụ: Lập phương án giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu; Tiếp tục nghiên cứu để giảm mức thuế suất ưu đãi thuế nhập khẩu xăng; khẩn trương nghiên cứu xây dựng phương án giảm tiền điện – một trong những chi phí đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất kinh doanh.

Ba là: Nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19 cho doanh nghiệp.

Theo phản ánh từ doanh nghiệp, các gói hỗ trợ đã được triển khai tuy nhiên tốc độ giải ngân vẫn còn thấp. Tình trạng doanh nghiệp kêu khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cho thấy các điều kiện để vay vốn dường như chưa phù hợp với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Vì vậy cần có biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi của doanh nghiệp để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thực sự phát huy hiệu quả.

Bốn là: Cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ hiện đang đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực. Quốc hội có thể triển khai các chương trình giám sát việc thực hiện các chương trình đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nhân lực trong thời gian tới.

Năm là: Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo. Có cơ chế phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động đổi mới, sáng tạo, đồng thời cân bằng, hài hòa lợi ích của các bên trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, nhằm theo kịp xu hướng phát triển xanh của thế giới và thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, đề nghị xây dựng, ban hành luật riêng về kinh tế tuần hoàn, gắn với các hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Sáu là: Đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.Trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính có tác động lớn đến doanh nghiệp và còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động…

Bảy là: Nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ. Hiện nay, Việt Nam có 15 FTA đang có hiệu lực trong đó có nhiều thị trường lợi thế khi các quốc gia cạnh tranh chính của Việt Nam chưa có FTA. Đề nghị cần có chương trình hành động cụ thể và thiết thực nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA.

Tám là: Nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền các cấp. Cụ thể, cần có giải pháp kiểm tra quá trình triển khai thực hiện, quan tâm nâng cao hiệu quả thực thi của các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương.

Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kết hợp tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước. Các quyết sách từ Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ luôn vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm. Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 73 luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng về đầu tư, kinh doanh. Quốc hội Khóa XV đã ban hành Chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ, trong đó xác định việc hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, môi trường pháp luật, cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu.

Trong thời gian tới, Quốc hội sẽ xem xét nhiều dự án luật quan trọng, có tác động rất lớn đến người dân, doanh nghiệp như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu, dự án Luật Giá, dự án Luật Kinh doanh bất động sản, dự án Luật Nhà ở… đòi hỏi cần nghe được thông tin nhiều chiều, từ nhiều đối tượng, chủ thể khác nhau, trong đó có cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân. Nhấn mạnh đòi hỏi từ thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các kiến nghị, đề xuất của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp là nguồn thông tin quan trọng từ thực tiễn để kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật trong thời gian tới; đồng thời, cũng thể hiện mục tiêu mà Quốc hội hướng tới là “nghị quyết và chính sách phải mang hơi thở cuộc sống và đổi mới vì lợi ích của Nhân dân và doanh nghiệp”.

Trần Linh (T/h)