Thứ ba 17/09/2024 13:24
Hotline: 024.355.63.010
Bất động sản

Tỷ phú giàu nhất châu Á muốn đầu tư hàng tỷ USD vào loạt dự án tại Việt Nam

31/07/2024 15:30
Ông Gautam Adani mong muốn Chính phủ Việt Nam chỉ đạo, tạo điều kiện và nêu một số đề xuất, kiến nghị để doanh nghiệp có thể thúc đẩy các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
aa
Thủ tướng và tỷ phú Gautam Adani, Chủ tịch tập đoàn Adani. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và tỷ phú Gautam Adani, Chủ tịch tập đoàn Adani. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sáng 31/7, tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani.

Adani Group là nhà điều hành sân bay lớn nhất Ấn Độ và kiểm soát Cảng Mundra - cảng lớn nhất Ấn Độ. Tập đoàn còn đầu tư trong lĩnh vực truyền tải điện, năng lượng xanh.

Còn tỷ phú Gautam Adani vừa trở thành người giàu nhất châu Á hôm 3/6 với tài sản đạt 122 tỷ USD, theo xếp hạng của Bloomberg Billion Index.

Lãnh đạo Adani cho biết, tại Việt Nam, tập đoàn đang đề xuất đầu tư vào cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) với kỳ vọng tạo hệ sinh thái đầy đủ về logistics tại Đà Nẵng.

Bày tỏ quan tâm tới dự án cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng, ông Gautam Adani cho hay, đã nộp hồ sơ đề nghị đầu tư và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về dự án. Tập đoàn mong muốn được đầu tư trọn gói hệ thống cảng thông minh với vốn đầu tư dự kiến là hơn 2 tỉ USD và tháo gỡ khó khăn trước đề xuất được đầu tư 100% vốn cho dự án này.

Adani cũng mong muốn được triển khai hoạt động đầu tư năng lượng tại Bình Thuận, cụ thể là dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3, với tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 2,8 tỷ USD.

Ngoài ra, tập đoàn này chia sẻ đang có dự định tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực hàng không, logistics, như xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 2, sân bay Chu Lai.

Ông Gautam Adani mong muốn Chính phủ Việt Nam chỉ đạo, tạo điều kiện và nêu một số đề xuất, kiến nghị để doanh nghiệp có thể thúc đẩy các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, với dự án cảng Liên Chiểu, phía Việt Nam chủ trương chọn một nhà đầu tư hạ tầng tổng thể. Còn việc khai thác cảng biển này, doanh nghiệp nước ngoài có thể hợp tác với đơn vị trong nước theo quy định pháp luật. Thủ tướng giao TP Đà Nẵng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch & Đầu tư làm việc trực tiếp với Tập đoàn Adani ngay sau cuộc gặp, để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan, thống nhất cách làm, triển khai thủ tục.

Liên Chiểu theo quy hoạch là cảng nước sâu loại I có vị trí quan trọng, điểm kết nối của hành lang kinh tế Đông Tây quốc tế, cửa ngõ của cả miền Trung. Khi đi vào sử dụng, bến tàu tổng hợp của cảng có quy mô 100.000 tấn, bến cảng container 200.000 tấn. Cảng này có công suất đến năm 2045 đạt khoảng 100 triệu tấn hàng hóa thông qua một năm. Ước tính, Nhà nước sẽ rót khoảng 3.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng dùng chung và kêu gọi đầu tư đồng bộ cảng biển này.

Với sân bay Chu Lai, Thủ tướng chia sẻ, nếu Adani liên danh cùng doanh nghiệp Việt đầu tư thì "rất tốt", bởi dự án này có nhiều điều kiện thuận lợi. Sân bay này đã có hai đường băng, sẵn mặt bằng khoảng 1.200 ha, không mất thời gian giải phóng mặt bằng. Sân bay này có vị trí chiến lược quan trọng với Việt Nam và được coi là trung tâm trung chuyển của Đông Nam Á, châu Á.

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị tập đoàn hoàn thiện hồ sơ, cung cấp thông tin về dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3, gửi Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan để triển khai. Đồng thời giao Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn Adani tham gia xây sân bay Long Thành giai đoạn 2, ở hạng mục như đường băng.

"Chúng tôi sẽ có chính sách ưu tiên và thu hút đầu tư, nhưng đi kèm đó phải có chuyển giao công nghệ, kết nối với doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đặt ra yêu cầu sau cuộc họp này, nhà đầu tư cần làm việc ngay với các bộ ngành, địa phương Việt Nam để bàn thảo các nội dung triển khai cụ thể với tinh thần làm ngay, “rõ người, rõ việc, rõ thời gian và rõ sản phẩm”.

Bày tỏ cảm ơn những tháo gỡ vướng mắc của Thủ tướng và các bộ ngành, địa phương, Chủ tịch Adani khẳng định, sẽ triển khai ngay dự án và cam kết thực hiện theo đúng quy định pháp luật, xây dựng hạ tầng cảng thông minh hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn thế giới và tạo lan tỏa cho nền kinh tế Việt Nam.

Phương Anh (T/h)

TAGS:

Tin bài khác
Thanh Hóa: Xác định vị trí đề xuất quy hoạch xây dựng kho dự trữ dầu thô quốc gia

Thanh Hóa: Xác định vị trí đề xuất quy hoạch xây dựng kho dự trữ dầu thô quốc gia

Thanh Hóa vừa thực hiện khảo sát vị trí quy hoạch xây dựng kho dự trữ dầu thô quốc gia rộng khoảng 140 ha tại Khu Công nghiệp số 6 của Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch phân khu đổi mới sáng tạo với diện tích khoảng 3.770ha

Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch phân khu đổi mới sáng tạo với diện tích khoảng 3.770ha

Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch phân khu đổi mới sáng tạo với diện tích khoảng 3.770ha. Quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 khoảng 233.000 người.
Vĩnh Phúc: Lĩnh vực giao thông chiếm hơn 43% tổng nguồn vốn đầu tư công

Vĩnh Phúc: Lĩnh vực giao thông chiếm hơn 43% tổng nguồn vốn đầu tư công

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Vĩnh Phúc tỉnh đã phân bổ 57.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho 1.815 dự án, trong đó lĩnh vực giao thông chiếm hơn 43% tổng vốn.
VietinBank Phú Thọ tổ chức gặp mặt, ký kết hợp tác vơi doanh nghiệp

VietinBank Phú Thọ tổ chức gặp mặt, ký kết hợp tác vơi doanh nghiệp

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Công thương Chi nhánh Phú Thọ (VietinBank Phú Thọ) tổ chức gặp mặt, tọa đàm kết nối với doanh nghiệp.
Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc với Tỉnh ủy Đồng Tháp

Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc với Tỉnh ủy Đồng Tháp

Vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp – Phan Văn Thắng cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh, đơn vị liên quan tiếp Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ, do ông Nguyễn Đăng Lực - Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ làm trưởng đoàn.
lp-bank
tms-group
sanghai-fair
ubnd-xa-hoa-son