Tuyên Quang: Nâng cao giá trị kinh tế nhờ sản phẩm OCOP

09:32 23/06/2021

Chương trình OCOP tại tỉnh Tuyên Quang đã bước đầu đạt được kết quả thành công vượt sức tưởng tượng có 79 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Ngoài ra tỉnh đang có chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP để tiếp sức cho việc xây dựng thương hiệu, nâng chất lượng hàng hóa của HTX, người dân, cơ sở sản xuất để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị kinh tế.

Sản phẩm chè Shan tuyết 1 tôm 1 lá, chè Shan tuyết Lộc Trà đạt 4 sao, Chè Shan tuyết 1 tôm 2 lá đạt 3 sao. Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc HTX Sơn Trà cho biết: Trước đây sản phẩm đã có uy tín, được thị trường tin dùng, sau khi đạt OCOP lại càng thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính như siêu thị. Giá bán cũng tăng từ 200.000 - 300.000 đồng/kg lên 1,3 triệu đồng/kg. Sắp tới, HTX sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, để sản phẩm đạt 5 sao, mang tầm thương hiệu nông sản quốc gia để giá trị thực sự của cây chè Shan vùng núi cao Hồng Thái không chỉ là đặc sản của Tuyên Quang mà còn là sản vật của đất nước. 

  Người dân xã Hồng Thái thu hái chè Shan tuyết.

Theo ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang, cho biết: Huyện có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP. Ngoài những hỗ trợ của tỉnh bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm cho 7 sản phẩm, trị giá 700 triệu đồng, Na Hang lồng ghép các Chương trình 30a, 135, nông thôn mới để hỗ trợ sản xuất; tham mưu, mở lớp hướng dẫn về kỹ thuật cho cán bộ chuyên môn, các chủ thể tham gia. Vì thế huyện đã xây dựng 16 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh, đạt 200% so với kế hoạch đề ra, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm đạt 3 sao. Để duy trì các sản phẩm OCOP và tiếp tục triển khai các sản phẩm khác, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 với 29 sản phẩm tham gia thẩm định OCOP.
Tiếp sức cho sản phẩm OCOP, ngày 02/6/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND về thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đã xác định một trong những nhiệm vụ chủ yếu là: Phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu duy trì phát triển, xây dựng thương hiệu đối với 79 sản phẩm đã được chứng nhận năm 2020. Đồng thời tiêu chuẩn hóa 44 sản phẩm đã xếp hạng năm 2020 từ hạng 3 sao để nâng lên hạng 4 sao, 5 sao; tiêu chuẩn hóa 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao, lập hồ sơ trình Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp Quốc gia, trong đó phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 7 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao.
Riêng trong năm 2021, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng cấp quốc gia đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao đối với 3 sản phẩm là Chè Shan tuyết 1 tôm 1 lá; Chè xanh Ngọc Thúy; Mật ong hương rừng.

Vũ Văn Tiến