Trưởng Đại diện UNDP đề xuất 4 hành động chính để Việt Nam có thể phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19

11:22 21/01/2021

Bà Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đề xuất bốn hành động chính để Việt Nam có thể phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19 và không để lại ai phía sau.

(Ảnh: Internet)

Năm 2020 có rất nhiều những biến động ngoài mong đợi trên thế giới, Đại dịch COVID-19 đã tác động đến rất nhiều quốc gia, rất nhiều khu vực và cả cấp độ toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã sớm trở thành một quốc gia dẫn đầu trong khống chế đại dịch cũng như là một trong số ít nước trên thế giới có mức tăng trưởng dương. Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của mình với cộng đồng quốc tế, cho thấy thành công đến từ sự minh bạch, tính giải trình cao, khả năng ứng phó linh hoạt và có nhiều giải pháp kịp thời xử lý khủng hoảng, khẳng định năng lực quản trị quốc gia của Việt Nam được nâng lên rõ rệt, duy trì sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Báo cáo của UNDP về khảo sát ý kiến người dân cho thấy sự đồng lòng, ủng hộ rất lớn của người dân đối với những chính sách, chỉ đạo, những hành động quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong quá trình phòng chống đại dịch với hơn 97% ý kiến của người dân cho rằng sự lãnh đạo của Chính phủ cũng như là của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 là rất tốt.

Đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được, bà Wiesen cho rằng thành công của Việt Nam trong việc đạt được mức phát triển con người cao và mục tiêu kép vừa phòng chống dịch dịch Covid-19 vừa tăng trưởng kinh tế đáng kể là nhờ sự lãnh đạo nhanh nhạy, tiên đoán, sức mạnh huy động nỗ lực và tinh thần đổi mới của người dân, và quyết tâm tập trung vào phát triển lấy con người làm trung tâm.

Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021 - 2025: Phục hồi và tăng tốc”, bà Wiesen đã đề xuất 4 hành động chính để có thể phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19 và không để lại ai phía sau, thông qua việc đảm bảo rằng: Tốc độ tăng trưởng nhanh của các mặt hàng xuất khẩu chế tạo là động lực chính tạo ra việc làm bền vững, tăng năng suất (và thu nhập);

Thứ hai là hài hòa cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, bằng cách chuyển đổi nền kinh tế (sản xuất và tiêu dùng) theo hướng tăng trưởng xanh và tiết kiệm năng lượng;

Thứ ba là phát triển thị trường vốn trong nước và nâng cao hiệu lực và hiệu quả sử dụng tất cả các nguồn lực tài chính phát triển để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững;

Cuối cùng là tiếp tục áp dụng phương pháp quản trị Ba AAA (Dự đoán, thích ứng và nhanh nhạy), tạo môi trường thuận lợi cho việc thử nghiệm và tạo ra các giải pháp sáng tạo của và do người dân và các tổ chức ở Việt Nam.

Gia Bảo