Điều này có thể làm đảo lộn sự cân bằng mong manh trên thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu khi châu Âu đã đạt được mục tiêu lưu trữ khí đốt trước thời hạn ngày 1/11.
Sau sự sụt giảm kỷ lục về nhu cầu khí đốt và nhập khẩu LNG của Trung Quốc vào năm ngoái do các lệnh phong tỏa liên quan đến dịch Covid-19, mức tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc đã tăng lên trong năm nay so với năm 2022, mặc dù vẫn thấp hơn mức tăng trưởng năm 2021.
Những tháng gần đây, Trung Quốc đã ký nhiều thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn, kể cả với các nhà xuất khẩu hàng đầu là Mỹ và Qatar. Ngoài ra, Trung Quốc cũng quay trở lại thị trường giao ngay với một cuộc đấu thầu lớn cho các lô hàng sẽ được giao vào cuối năm nay và trong suốt năm 2024.
Sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và các khách hàng châu Á khác có thể khiến châu Âu rơi vào tình thế thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn về nguồn cung cho mùa đông 2023 - 2024 do đẩy giá lên cao hơn và thu hút nhiều lô hàng LNG đến châu Á hơn mức mà EU mong muốn.
Ngọc Phi (TH)