Cụ thể, tại phiên họp ngày 27/02, đại diện liên danh đầu tư đã trình bày về dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Quảng Trị, nhấn mạnh việc chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tỉnh và cả nước. Theo các nhà đầu tư, điện khí phát thải lượng CO2 ít hơn 56% và NOx ít hơn 66% so với điện than, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng năng lượng lên 27%.
Xét về lượng phát thải CO2, sản xuất điện khí giảm 59% so với điện than cho cùng một sản lượng. Dự án cũng sẽ chia sẻ và mở rộng công suất kho LNG hiện có tại Hải Lăng, giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả kinh tế. Nguồn điện khí tự nhiên tái hóa từ LNG có khả năng khởi động nhanh và ít phát thải CO2, bổ sung cho hệ thống khi các nguồn năng lượng tái tạo giảm phát.
Nếu được phê duyệt quy trình hành chính, dự án LNG Quảng Trị độc lập có thể đạt mục tiêu vận hành thương mại vào năm 2030. Khi kết hợp với kho LNG Hải Lăng, mục tiêu này có thể rút ngắn thời gian và chi phí xây dựng.
Liên danh đầu tư đã kiến nghị UBND tỉnh ủng hộ đề xuất và gửi văn bản lên Chính phủ và Bộ Công thương để chuyển đổi dự án vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Họ cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ nếu được giao làm chủ đầu tư và nhận hỗ trợ cần thiết.
![]() |
Ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, phát biểu kết luận phiên họp với liên danh đầu tư (gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty TNHH SKI E&S). |
Ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, kết luận, tỉnh sẽ đề xuất Bộ Công thương tổ chức buổi họp với các bên liên quan để bàn về chuyển đổi nhiên liệu và triển khai dự án. Nếu đề xuất chuyển đổi nhiên liệu không được chấp thuận, tỉnh sẽ đề nghị các nhà đầu tư nghiên cứu dự án LNG khác tại Quảng Trị.
Ngoài ra, tỉnh cũng mong muốn Tập đoàn T&T và SKI E&S quan tâm đến việc đầu tư vào các dự án điện gió tại địa phương, cam kết đồng hành và hỗ trợ thủ tục, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư.