Trí tuệ cảm xúc - yếu tố quyết định cho một nhà lãnh đạo thành công

11:33 14/08/2023

Nhà lãnh đạo với chuyên môn tốt sẽ là nhà lãnh đạo giỏi, nhưng họ sẽ không trở thành nhà lãnh đạo tài ba nếu thiếu đi trí tuệ cảm xúc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày nay, một trong những điều tạo nên khác biệt giữa các nhà lãnh đạo không phải là ai có kinh nghiệm nhiều hơn, ai có chỉ số IQ cao hơn mà quan trọng hơn hết là ai là người có trí tuệ cảm xúc tốt hơn. Các nhà lãnh đạo có trí tuệ cảm xúc cao có nhiều khả năng truyền cảm hứng và động viên đội nhóm, giúp họ đưa ra quyết định đúng đắn và xây dựng các mối quan hệ bền vững.

Trí tuệ xúc cảm là gì?

Trí tuệ xúc cảm (Emotional intelligence (EI), hay Emotional quotient (EQ)) là khả năng hiểu và quản lý cảm xúc của chính bạn, và của những người xung quanh bạn. Những người có trí thông minh cảm xúc cao biết những gì họ đang cảm nhận, ý nghĩa của cảm xúc đó là gì, và những cảm xúc này có thể gây ảnh hưởng tới người khác như thế nào.

Trí tuệ cảm xúc là yếu tố quyết định đến sự thành công của một nhà lãnh đạo. Khi nghĩ đến nhà lãnh đạo, mọi người thường nhắc đến các yếu tố trí thông minh, chuyên môn giỏi, có tầm nhìn…Nhưng những điều này không giúp họ giải quyết các mối quan hệ trong doanh nghiệp, giữ chân nhân viên, đối mặt với thách thức, khó khăn, mà chính trí tuệ cảm xúc giúp phân biệt các nhà lãnh đạo bình thường và nhà lãnh đạo vĩ đại.

Môi trường doanh nghiệp là một tập hợp rất nhiều mối quan hệ đan xen, chồng chéo. Nếu người lãnh đạo không có khả năng quản lý các mối quan hệ này, công việc sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Daniel Goleman - nhà tâm lý học, tác giả cuốn sách “Trí tuệ cảm xúc", đã chia sẻ trên Harvard Business Review rằng những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất giống nhau ở một điểm đó là họ đều có trí tuệ cảm xúc cao. 90% sự khác biệt giữa những nhà lãnh đạo tài giỏi và những nhà lãnh đạo trung bình là do các yếu tố trí tuệ cảm xúc quyết định chứ không phải là chuyên môn.

Trí tuệ cảm xúc thường bao gồm:

  • - Nhận thức cảm xúc: Nhận diện và gọi tên cảm xúc

  • - Xử lý cảm xúc: Tìm hiểu nguyên nhân xuất hiện cảm xúc này, những hành động nào thường gợi lên cảm xúc đó, các khuôn mẫu cảm xúc…

  • - Quản lý cảm xúc: Điều chỉnh cảm xúc, đưa ra các quyết định phù hợp, không để cảm xúc dẫn dắt

Theo Daniel Goleman, có 5 yếu tố chính của trí tuệ xúc cảm, bao gồm: Tự nhận thức; Tự điều chỉnh; Động lực; Đồng cảm; Kỹ năng xã hội.

Rèn luyện khả năng tự nhận thức

Theo Mark Manson, tự nhận thức là nền tảng đầu tiên để phát triển trí tuệ cảm xúc. Nó liên quan đến 3 mức độ: (1) Nhận thức được bạn đang làm gì; (2) Nhận thức và chấp nhận cảm xúc bên trong bản thân mình; và khó nhất (3) Nhận thức và tiết chế những phản ứng tiêu cực

Mức độ (1): Nhận thức được điều mình đang làm

Đã bao giờ bạn làm một việc gì đó nhiều giờ trong vô định và không còn thời gian cho công việc dự tính sẽ làm vào buổi tối hôm ấy hay không?

Ví dụ khi đi làm về, sau khi tắm rửa ăn tối xong, bạn dự tính sẽ dành thời gian kiểm tra lại tiến độ làm việc theo ngày của nhóm nhân viên, sau đó là thiền và đọc tiếp quyển sách còn dang dở. Nhưng trước khi bắt đầu, bạn cầm điện thoại lên và vô tình đọc được một tin rất giật gân. Rồi nhiều thứ khác hiện lên: video yêu thích mới ra mắt, bạn bè đồng nghiệp rủ đi tiệc tùng… và bạn bị cuốn vào mà không thể dừng lại. 

Trên thực tế, sẽ có rất nhiều những yếu tố có thể gây xao nhãng trong cuộc sống và nhà lãnh đạo cần có ý chí mạnh mẽ để kháng cự lại nó. Chúng ta lao vào những điều này để né tránh những cảm xúc không thoải mái. Dù bạn có là lãnh đạo hay ai đi chăng nữa, đôi khi cần tắt điện thoại, tách biệt công việc, hay các yếu tố gây nghiện khác để dành khoảng thời gian tĩnh lặng cho bản thân. Suy nghĩ về cảm xúc và nhận thức được những điều mình đã làm trong ngày sẽ giúp bạn khám phá được những hạn chế hoặc điểm yếu của bản thân. Nhờ đó nâng cao hiệu quả công việc và phát triển kỹ năng quản lý.

Mức độ (2): Nhận thức và chấp nhận cảm xúc bên trong bản thân mình

Sẽ có những lúc, chúng ta cảm thấy mình thiếu đi sự tự tin khi gặp các vấn đề khó khăn trong quản lý đội nhóm. Lúc này, điều nhà lãnh đạo nên làm là hãy thành thật và chấp nhận cảm xúc nảy sinh của mình mà không tự phán xét hay trách móc bản thân. Bạn hãy hít thở một hơi thật sâu và cứ để dòng cảm xúc trải dài vào khoảnh khắc đó, đừng cố chống lại cũng như đừng quá khó khăn với chính mình. 

Mức độ (3): Nhận thức để tiết chế những phản ứng tiêu cực

Bất cứ khi nào tức giận hay khó chịu, bạn sẽ bắt đầu thấy được những phản ứng khá tiêu cực trong bản thân mình.

Ví dụ, chúng ta rất dễ cảm thấy tức giận khi mình đang trình bày mà có người cứ xen ngang trong cuộc họp hay khó chịu khi có người gây phân tâm lúc bạn đang tập trung nói. Và không ít những tình huống như thế sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực dẫn đến kết cục cãi vã. Tuy nhiên, chỉ khi nhận thức được điều đó, bạn mới có suy nghĩ làm khác đi được. Vậy thì, để suy nghĩ khác và làm khác đi, nhà lãnh đạo cần thực hành cách chậm lại trong suy nghĩ và hành động. Khi chuẩn bị trút cơn giận lên người khác, hãy suy nghĩ về hậu quả sẽ diễn ra để có thể lựa chọn cách phản ứng tốt hơn.

Những người có trí thông minh cảm xúc cao biết những gì họ đang cảm nhận, ý nghĩa của cảm xúc đó là gì, và những cảm xúc này có thể gây ảnh hưởng tới người khác như thế nào.
Những người có trí thông minh cảm xúc cao biết những gì họ đang cảm nhận, ý nghĩa của cảm xúc đó là gì, và những cảm xúc này có thể gây ảnh hưởng tới người khác như thế nào.

Tự điều chỉnh

Các nhà lãnh đạo tự điều chỉnh bản thân một cách hiệu quả và hiếm khi công kích người khác, đưa ra quyết định vội vã hoặc quyết dựa trên cảm xúc, hoặc làm tổn hại đến giá trị của họ. Tự điều chỉnh bản thân chính là việc kiểm soát cảm xúc.

Theo Goleman, yếu tố này của trí tuệ xúc cảm cũng bao hàm tính linh hoạt và cam kết của lãnh đạo với trách nhiệm cá nhân.

Vậy, làm thế nào bạn có thể cải thiện khả năng tự điều chỉnh?

Biết giá trị của bạn – Bạn có một ý tưởng rõ ràng về nơi mà bạn sẽ hoàn toàn không thỏa hiệp? Bạn có biết những giá trị nào quan trọng nhất với mình? Nếu bạn biết điều gì quan trọng nhất với mình, thì có thể bạn sẽ không phải suy nghĩ hai lần khi phải đối mặt với một quyết định về đạo đức – bạn sẽ đưa ra được lựa chọn đúng đắn.

Giữ tính trách nhiệm của bạn – Nếu bạn có xu hướng đổ lỗi cho người khác khi có điều gì đó không ổn, hãy dừng lại. Hãy cam kết chấp nhận những sai lầm của mình và đối mặt với hậu quả cho dù nó có là gì đi nữa. Bạn sẽ ngủ ngon hơn vào ban đêm, và nhanh chóng có được sự tôn trọng của những người xung quanh bạn.

Luyện tập khả năng giữ bình tĩnh – Lần tới, khi đối mặt với một tình huống đầy thử thách, hãy cẩn thận về cách bạn phản ứng. Bạn có xả căng thẳng bằng cách hét vào mặt người khác? Hãy hít thở thật sâu để bình tĩnh trở lại. Ngoài ra, hãy cố gắng viết xuống tất cả những điều tiêu cực bạn muốn nói, và sau đó đốt nó đi. Thể hiện những cảm xúc của bạn trên giấy là một cách tuyệt vời thay vì to tiếng với đội nhóm của bạn. Hơn thế nữa, điều này giúp bạn thách thức phản ứng của mình để đảm bằng rằng chúng công bằng.

Động lực

Động lực là thứ thúc đẩy một người hành động, giữ cho họ luôn tiến về phía trước. Có 2 loại động lực đó là động lực bên ngoài và động lực bên trong.

Động lực bên ngoài đến từ chức vụ, tài chính, sự ngưỡng mộ của mọi người…Động lực bên trong đến từ những mong muốn, khát khao hoàn thành công việc, đạt được mục tiêu đề ra. Những người làm việc với động lực bên trong thường kiên trì, không ngừng nâng cao năng suất, cống hiến hết mình cho công việc.

Doanh nghiệp thường mong muốn tìm kiếm nhà lãnh đạo được thúc đẩy bởi động lực bên trong. Nhà lãnh đạo làm việc xuất phát từ động lực bên trong thường tìm kiếm những thử thách, sáng tạo và không ngừng học hỏi. Họ có một nguồn năng lượng dồi dào và tự hào khi hoàn thành tốt một công việc.

Trong các hoàn cảnh khó khăn, thách thức thì sự tự điều chỉnh bản thân và động lực từ bên trong giúp nhà lãnh đạo không đầu hàng trước những khó khăn mà luôn tìm giải pháp để giải quyết vấn đề.

Đồng cảm

Đối với các nhà lãnh đạo, có sự đồng cảm là cực kỳ quan trọng để quản lý một đội nhóm hoặc tổ chức thành công. Các nhà lãnh đạo với sự đồng cảm có khả năng đặt mình vào tình huống của người khác. Họ giúp phát triển con người trong đội nhóm, thách thức những người khác đang hoạt động không công bằng, đưa ra phản hồi mang tính xây dựng, và lắng nghe những người cần nó.

Nếu bạn muốn có được sự tôn trọng và lòng trung thành của đội nhóm, hãy cho họ thấy rằng bạn rất quan tâm họ dựa trên sự đồng cảm.

Vậy, làm sao bạn có thể cải thiện khả năng đồng cảm của mình?

Đặt mình vào vị trí của người khác – Sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề hơn khi nó trở thành vấn đề của bạn! Hãy dành thời gian để nhìn vào các tình huống từ quan điểm của người khác. 

Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể – Có lẽ khi lắng nghe ai đó, bạn khoanh tay, di chuyển qua lại bàn làm việc, hoặc cắn môi. Ngôn ngữ cơ thể này cho người khác biết bạn thực sự cảm thấy thế nào về tình huống, và thông điệp bạn đưa ra không tích cực. Học cách đọc ngôn ngữ cơ thể là một tài sản thực sự trong vai trò lãnh đạo, bởi vì bạn sẽ có thể xác định được cảm giác của một người như thế nào. Điều này cho bạn cơ hội để phản ứng một cách thích hợp.

Phản hồi lại các cảm xúc – Hãy hình dung, bạn yêu cầu trợ lý của mình ở lại làm việc muộn một lần nữa. Và mặc dù anh ấy đồng ý, nhưng bạn có thể dễ dàng nghe thấy sự thất vọng trong giọng nói của anh ấy. Vì vậy, hãy phản hồi lại cảm xúc của anh ấy bằng cách nói rằng bạn đánh giá cao sự sẵn sàng làm việc nhiều giờ của anh ấy, và bạn cũng chán ngấy việc này rồi. Nếu có thể, hãy tìm ra cách để đáp ứng lại sự cố gắng đó của nhân viên bằng cách cho họ nghỉ buổi sáng tiếp theo chẳng hạn.

Thực hành các kỹ năng xã hội

Nhà lãnh đạo giỏi các kỹ năng xã hội sẽ là những người truyền đạt và thúc đẩy đội nhóm tuyệt vời. Như đã đề cập ở phần trên, đích đến của trí tuệ cảm xúc là các mối quan hệ tốt đẹp và bền vững. Trong đó, kỹ năng xã hội nói lên được cách tương tác cảm xúc của bạn với mọi người xung quanh. Do đó mà khi lãnh đạo bằng trí tuệ cảm xúc, kỹ năng giao tiếp là công cụ mạnh mẽ giúp các nhân viên thấu hiểu giá trị thương hiệu cá nhân của một nhà lãnh đạo.

Khi giao tiếp với các thành viên trong nhóm, một nhà lãnh đạo có kỹ năng tốt sẽ tích cực lắng nghe, đặt câu hỏi làm rõ và đưa ra hướng dẫn rõ ràng. Lãnh đạo sẽ đảm bảo rằng tất cả mọi người đều hiểu được thông điệp của họ, thúc đẩy tinh thần đồng đội hiệu quả và có thể giảm thiểu hiểu lầm không đáng có. Ngoài ra, gắn liền với giao tiếp có trí tuệ là khả năng quản lý xung đột nhóm của nhà lãnh đạo. Xung đột là một phần không thể tránh khỏi của bất kỳ nhóm hoặc tổ chức nào.

Không những thế, kỹ năng xã hội là nhân tố giúp nhà đàm phán thương lượng với khách hàng và đối tác hiệu quả hơn. Kỹ năng xã hội sẽ giúp chúng ta hiểu rõ về lợi thế cạnh tranh của mình và tình hình thị trường, từ đó bình tĩnh đưa ra lời thuyết phục phù hợp để mang lại nguồn hàng cho công ty với mức giá tốt nhưng vẫn đảm bảo có lợi cho cả hai bên.

Nhà lãnh đạo với chuyên môn tốt sẽ là nhà lãnh đạo giỏi, nhưng họ sẽ không trở thành nhà lãnh đạo tài ba nếu thiếu đi trí tuệ cảm xúc. Trí tuệ cảm xúc tuy có sẵn trong mỗi người nhưng không phải ai cũng đạt được mức độ như mong muốn. 

Bằng cách rèn luyện 5 cách phát triển trí thông minh cảm xúc trên, các nhà lãnh đạo sẽ trang bị thêm cho mình một sức mạnh hiệu quả để ứng dụng cho mọi lĩnh vực, về quản lý nói riêng và cả các hoạt động xã hội khác nói chung. 

Thu Hằng (T/h)