Trên 60% lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp là lao động giản đơn

11:34 25/01/2023

Từ số liệu trên 60% lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp là lao động giản đơn, ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm, Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng năm 2023 là thời gian khó khăn của thị trường lao động khi có nhiều thách thức cần được giải quyết.

Ảnh minh họa
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hỏi thăm cán bộ, công nhân lao động.

Theo ông Ngô Xuân Liễu, năm 2022, dù thị trường lao động tăng thêm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ lao động tham gia thị trường vẫn thấp hơn so với thời kỳ trước dịch.

Trong khi đó, nền kinh tế hiện nay vẫn thâm dụng lao động, chưa chuyển đổi sang nền kinh tế theo hướng tăng trưởng số việc làm, thâm dụng tri thức tức là tạo ra nhiều giá trị gia tăng nhiều hơn. Sử dụng nhiều lao động giản đơn nhưng những nhân sự này dễ bị tổn thương, rất dễ bị thay thế.

“Chỉ cần chuyển dịch nhỏ lực lượng lao động này sẽ rơi vào thất nghiệp. Thực hiện các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, chúng tôi nhận thấy trên 60% lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp là lao động giản đơn. Còn tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt khoảng 26,1%; tỷ lệ lao động sử dụng thành thạo ngoại ngữ (tiếng Anh) còn thấp hơn; phần nhiều lao động chưa có kỹ năng số trong khi chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ” - ông Ngô Xuân Liễu cho hay.

Điểm yếu trên của lực lượng lao động, theo đánh giá của các chuyên gia liên quan đến chất lượng và năng suất lao động. Doanh nghiệp hiện nay cần tối ưu hoá các nguồn lực để nắm bắt cơ hội phát triển nhưng nguồn lực lao động đóng vai trò quan trọng lại chưa thể được tối ưu.

Ảnh minh họa
  Ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm, Cục Việc làm

Ông Ngô Xuân Liễu cho biết thêm: Trong giai đoạn hội nhập và phát triển kinh tế như hiện nay, không một người lao động, không một nhóm lao động, không có doanh nghiệp làm một mình mà cần kết nối cộng đồng doanh nghiệp để làm theo chuỗi. Yêu cầu thay đổi này đang trở nên cấp bách và cần được thúc đẩy thực hiện sớm.

Kinh nghiệm từ sự chuyển đổi mô hình hoạt động của một số doanh nghiệp trong các ngành thâm dụng lao động như gỗ, dệt may và da giày cho thấy, chỉ có thay đổi căn bản mô hình sản xuất mới góp phần tăng năng suất lao động, tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Mô hình sản xuất tại doanh nghiệp được thay đổi từ sản xuất giá trị thấp sang khâu sản xuất giá trị gia tăng cao hơn bằng cách đưa công nghệ mới vào sản xuất kết hợp với đào tạo lại lao động.

Để thị trường lao động ổn định, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống cho người lao động trong năm 2023, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp như: Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động; phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực. 

Đồng thời, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; tiếp tục thực hiện chích sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.

Ảnh minh họa
Trên 60% lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp là lao động giản đơn

Ngoài ra, các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, năm 2023 được dự báo có nhiều thách thức, như vấn đề già hóa dân số. Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm trên 20% tổng dân số. Già hóa dân số nhanh sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề quan trọng là thị trường lao động.

Thách thức khác đến từ vấn đề việc làm phi chính thức. Thực tế, tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao, phần đông người lao động Việt Nam vẫn phải đang chấp nhận làm các công việc dễ tổn thương…

Ảnh minh họa
Người làm chính sách, điều hành phải thay đổi tư duy để phản ứng nhanh và chính xác để phù hợp với xu thế của thời đại. 

Những thách thức đó buộc người làm chính sách, điều hành phải thay đổi tư duy để phản ứng nhanh và chính xác để phù hợp với xu thế của thời đại. Bộ đã yêu cầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần phải chủ động đổi mới tư duy, đổi mới phương thức làm việc, chủ động trong công tác dự báo, linh hoạt ứng phó với những biến động có thể xảy ra.

Về lâu dài, cần tiếp tục rà soát hoàn thiện toàn bộ khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách để xây dựng và hình thành từng bước thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ và hiện đại, thúc đẩy tăng năng suất lao động từ nền tảng lực lượng nhân lực khoa học công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Thúc Linh