Với đề án này, Trà Vinh sẽ triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp NVV với 8 nội dung như công nghệ, thông tin, tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ; hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và tối đa 70% tổng chi phí của một khóa quản trị doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp NVV sẽ được các chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh như hướng dẫn miễn phí lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu, miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, phí môn bài trong thời hạn 03 năm...
Bên cạnh đó, trong từng thời kỳ, mức chênh lệch lãi suất được ngân sách nhà nước cấp bù cho các khoản vay của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thông qua các tổ chức tín dụng là 2%/năm.
Đặc biệt, doanh nghiệp được hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung (100% chi phí sử dụng trang thiết bị, tối đa 50% chi phí thuê mặt bằng) cũng như tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các cuộc thi quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo…
Tổng kinh phí để thực hiện đề án là 88,5 tỉ đồng.
Trà Vinh hiện có 3.251 doanh nghiệp, trong đó có 3.187 doanh nghiệp NVV (chiếm 98%). Các doanh nghiệp này có đóng góp 10,18% vào GRDP và hơn 14,02% ngân sách tỉnh năm 2020.
Đề án hỗ trợ doanh nghiệp NVV giai đoạn 2022 - 2025, Trà Vinh sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, phát triển doanh nghiệp NVV của tỉnh cả về số lượng và chất lượng.
Qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Trà Vinh thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có tổng số 5.000 doanh nghiệp, trong đó có thêm 2.000 doanh nghiệp NVV.
Khánh Anh