Tại Hội nghị công bố nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến 2060 vào ngày 30-9, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thuê và thuê mua.
Theo ông Bình, đại dịch COVID-19 vừa qua đã bộc lộ nhiều vấn đề trong quản lý đô thị của TP, trong đó có nhà ở cho người lao động. Công nhân thuê nhà ở rải rác trong các khu nhà trọ tự phát, không tập trung, dịch bệnh dễ lây nhiễm chéo từ khu dân cư ra công nhân và ngược lại. Khi các doanh nghiệp muốn thực hiện mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến" để sản xuất trong dịch đã không làm được. Ví dụ như quận 7 có 100.000 nhà trọ cho công nhân thuê, có phòng trọ chỉ rộng 20 - 30m2 nhưng đến 5 - 6 người ở. Tình trạng này diễn ra không riêng gì ở quận 7 mà còn ở nhiều quận, huyện khác. Do đó, theo ông Bình, TP sẽ mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân bằng các quỹ đất của TP để giãn người lao động ra khỏi các khu nhà ở trọ chưa đủ tiêu chuẩn.
Theo các chuyên gia, để phát triển nhà ở xã hội hay nhà ở giá thấp cho người lao động thu nhập thấp, vấn đề quan trọng hàng đầu là TP.HCM phải có đất, thủ tục hành chính phải thuận tiện, chưa kể các biện pháp chống đầu cơ nhằm đảm bảo nhà giá thấp đến được với người thu nhập thấp...
Đặc biệt, TP cần quy hoạch quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhất là những khu vực gần các khu công nghiệp, khu chế xuất và những quận đang phát triển có nhiều công nhân và lao động nhập cư. "Như vậy, các doanh nghiệp muốn xây nhà ở xã hội sẽ biết ở khu nào có đất, chỗ nào được xây, tìm đất ở đâu để xây...",
Sở Xây dựng TP.HCM cho hay, trong 5 năm (2016 - 2020) TP phát triển được thêm 14.954 căn nhà xã hội, trung bình 3.000 căn nhà/năm, đáp ứng nhà ở cho khoảng 12.000 hộ gia đình. Tính đến năm 2020, TP.HCM có hơn 18.000 căn nhà ở xã hội, chưa đạt mục tiêu đã đặt ra trước đó là phát triển 20.000 căn. Việc phát triển 1 triệu căn nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp sẽ được cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM đến năm 2025.
Cũng theo Sở xây dựng TP.HCM, thời gian qua chỉ mới có những doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình, cá nhân tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân, sinh viên thuê nên độ tiện nghi của những khu nhà trọ chưa đáp ứng được nhu cầu và điều kiện sống của công nhân, sinh viên chưa đạt chuẩn. Do đó cần phải có cơ chế hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội mới có thể giải quyết được phần lớn nhu cầu nhà ở của lực lượng lao động hiện tại và trong tương lai. Kế hoạch phát triển nhà ở của TP chỉ là thủ tục để hiện thực hóa mục tiêu tổ chức lại đời sống của người lao động trên địa bàn TP.HCM.
Quang Đạo