Các công trình cầu vượt bộ hành tập trung chủ yếu tại một số tuyến đường chính như đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Kinh Dương Vương, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Minh Giám, Quang Trung, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22,..; 23 vị trí có chốt đèn vỗ dành cho người bộ hành. Tuy nhiên, không phát huy được hiệu quả, thậm chí nhiều nơi còn trở thành địa điểm tập kết rác thải, nơi ở cho người vô gia cư với nhiều lý do như: Nhiều người dân không sử dụng cầu bộ hành, vẫn giữ thói quen băng đường cho “nhanh” và “tiện” nhưng lại bỏ qua các yếu tố về an toàn giao thông cho bản thân và các phương tiện khác. Tình trạng lấn chiếm phạm vi xung quanh cầu vượt bộ hành để buôn bán, kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người có nhu cầu.
Ý thức về việc đảm bảo vệ sinh trên cầu và xung quanh khu vực cầu của người dân còn chưa cao dẫn đến không đảm bảo vệ sinh (mặc dù cơ quan nhà nước đã thường xuyên thu dọn), về lâu dài có thể gây nghẽn hệ thống thoát nước mặt cầu. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người nhà bệnh nhân của các bệnh viện xung quanh như Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Gia Định tụ tập, sinh hoạt trên công trình cầu vượt bộ hành ảnh hưởng đến việc sử dụng của người đi bộ.
Ngoài ra, trước đây có tình trạng các đối tượng tụ tập, sử dụng trái phép các chất kích thích tại một số công trình cầu vượt bộ hành vắng người, gây tâm lý e ngại cho người tham gia.
Trước tình hình đó, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về việc giữ gìn vệ sinh, trật tự khi sử dụng cầu bộ hành và tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông theo đúng Luật Giao thông đường bộ (như hành vi không được băng đường tại những nơi không cho phép nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân và người tham gia giao thông khác). Sở cũng đề nghị UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra về việc chấp hành Luật giao thông đường bộ, trật tự an ninh và vệ sinh môi trường,… đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Uyển Nhi