Nằm trong số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%, TP. Hồ Chí Minh (22,52%), Phú Yên (30,78%), Bắc Ninh (34,13%), Kiên Giang (34,31%)…
Trước nguy cơ “vỡ kế hoạch” giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, ngày 07/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 115/CĐ-TTg về việc quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Công điện số 24/CĐ-TTg, ngày 22/3/2024, Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 08/8/2024, Công điện số 104/CĐ-TTg, ngày 08/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả; quyết liệt, quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ ngay các điểm nghẽn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện…
Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng. |
Theo đó, UBND TP. HCM vừa ban hành văn bản số 7424/UBND-DA đôn đốc các Sở, ngành, quận, huyện và Ban Quản lý các dự án thực hiện đợt cao điểm giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2024.
Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức, Giám đốc các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc TP và các chủ đầu tư dự án cần quán triệt, nghiêm túc chấp hành thực hiện đợt cao điểm về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 từ ngày 15/10/2024 đến hết niên độ kế hoạch năm 2024 đến toàn bộ Cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn Thành phố, đồng thời, kiên trì, bám sát mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố đã đề ra.
Các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố trong việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đến ngày 30/1/2025 đúng theo số liệu giải ngân vốn đã được các cơ quan đơn vị cập nhật, điều chỉnh và báo cáo UBND Thành phố.
Trong đó, đối với các dự án trọng điểm, dự án lớn (mở rộng nâng cấp đường Dương Quảng Hàm đoạn từ quận Bình Thạnh đến Công viên Văn hóa; xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh; Tỉnh lộ 8; nút giao Mỹ Thủy, xây dựng bến xe buýt Củ Chi; đường Hoàng Hoa Thám;…), các chủ đầu tư báo cáo chi tiết từng bước thủ tục, tiến độ mở thầu, thi công và giải ngân dự án theo các mốc thời gian cụ thể trong đó xác định rõ thẩm quyền, vai trò, trách nhiệm của sở, ngành và đặc biệt là vai trò của chủ đầu tư trong từng nhiệm vụ được đề ra.
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 4.000 tỷ đồng và vốn ngân sách thành phố là 4.200 tỷ đồng. |
Đối với các đơn vị có kết quả giải ngân từng tháng thấp hơn số liệu đã báo cáo theo kế hoạch đã đề ra và thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của TP, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tổ chức chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan, có giải pháp khắc phục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong thời gian còn lại.
Đối với các cơ quan, đơn vị dự kiến giải ngân cả năm 2024 đạt tỷ lệ giải ngân dưới mức dự kiến giải ngân chung của TP gồm: Huyện Nhà Bè, Quận 1, Quận 5, Quận 11, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Ban Quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao,… cần rà soát, xây dựng lại kế hoạch giải ngân, thực hiện ngay các giải pháp để tăng giải ngân hàng tuần từ nay đến ngày 30/1/2025, tập trung, quyết tâm hơn nữa nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân của Thành phố.
Để đảm bảo mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đến hết niên độ kế hoạch năm 2024 (đến hết tháng 1/2025), UBND TP.HCM giao chỉ tiêu cho từng nhóm dự án. Trong đó, giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), phấn đấu đảm bảo giải ngân hết 3.893 tỷ đồng đạt tỷ lệ 87% tổng vốn đã giao.
Nút giao thông An Phú (TP. Thủ Đức) có tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng. |
Đối với nhóm các dự án liên quan bồi thường giải phóng mặt bằng phải đảm bảo tiếp tục giải ngân thêm để đạt mục tiêu không thấp hơn 29.858 tỷ đồng.
Đối với nhóm dự án liên quan điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo tiếp tục giải ngân thêm không thấp hơn 333 tỷ đồng. Còn nhóm các dự án khởi công mới phải đảm bảo tiếp tục giải ngân thêm không thấp hơn 1.911 tỷ đồng
Riêng nhóm các dự án không còn vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng tiếp tục phấn đấu hoàn thành giải ngân thêm 10.857 tỷ đồng. Tại các dự án không vướng mắc thủ tục chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm hoàn toàn về kế hoạch giải ngân đã đề ra.
Đặc biệt, UBND TP sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị có kết quả giải ngân từng tháng thấp hơn số liệu đã báo cáo theo kế hoạch đã đề ra và thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của Thành phố.
Các cơ quan, đơn vị dự kiến giải ngân cả năm 2024 đạt tỷ lệ dưới mức dự kiến giải ngân chung của Thành phố cần rà soát, xây dựng lại kế hoạch giải ngân và thực hiện ngay các giải pháp để tăng tỷ lệ giải ngân từ nay đến ngày 30/1/2025.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 08/11/2024, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân trên địa bàn Thành phố là 18.635 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,5% trên tổng số vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024 là 79.263 tỷ đồng.
Dù đã đề ra nhiều giải pháp ngay từ đầu năm nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại TP. HCM vẫn đạt rất thấp và rất khó để đạt được mục tiêu giải ngân 95% năm 2024.