Tổng giá trị hàng hóa 2 năm tới của Việt Nam sẽ dẫn dắt bởi TMĐT

16:22 21/11/2023

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa trong 2 năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều đáng chú ý là Việt Nam đã giữ vững vị trí này suốt hai năm liên tiếp (2022 và 2023), và được dự báo sẽ duy trì điều này cho đến năm 2025, chia sẻ ngôi vị đỉnh với Philippines.

Theo các dự báo, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của tổng giá trị hàng hóa (GMV) tại Việt Nam sẽ đạt mức 20%, từ mức 30 tỷ USD vào năm 2023, tăng lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử được xác định là động lực chính đằng sau sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế số.

Tổng giá trị hàng hóa 2 năm tới của Việt Nam sẽ dẫn dắt bởi TMĐT
Tổng giá trị hàng hóa 2 năm tới của Việt Nam sẽ dẫn dắt bởi TMĐT.

Số liệu thống kê từ Bộ Công Thương cũng xác nhận rằng, thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, dự kiến đạt 20% trong năm 2022. Trong những năm qua, ngành này đã liên tục giữ được mức tăng trưởng từ 16-30%, và ước tính sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, năm 2023 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và tạo bước đà cho kinh tế phát triển. Đây cũng chính là thời điểm để Việt Nam xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới. Từ đó giúp khôi phục lại doanh nghiệp và mở rộng thị trường sau khi tình trạng khó khăn qua đi.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số ngành công thương, tập trung; tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Công Thương; thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành công thương; và phát triển thương mại điện tử trên phạm vi toàn quốc.

Để có được các sáng kiến, giải pháp cụ thể nhằm phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, tăng cường đóng góp của chuyển đổi số đối với sự phát triển ngành công thương nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã đề nghị các đại biểu tại diễn đàn tập trung thảo luận về xu hướng ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số ngành công thương nói riêng; các giải pháp đẩy mạnh Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số ngành công thương trong các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, sản xuất thông minh, thương mại điện tử, logistics...

Cùng đó, đưa ra các giải pháp tiếp tục xây dựng thị trường thương mại điện tử bền vững, thu hẹp khoảng cách số, tăng tính liên kết vùng; pháp phát triển thương mại điện tử và kinh tế số ngành công thương tại các địa phương.

P.V (t/h)