Cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025, một trong ba cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia theo quy định của Luật Thống kê, được triển khai theo chu kỳ 10 năm một lần vào các năm có số lẻ kết thúc bằng số 5. Đây là lần thứ sáu Việt Nam tổ chức cuộc điều tra này, dự kiến thực hiện trên phạm vi toàn quốc vào ngày 1/7/2025. Hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định số 484/QĐ-TTg ngày 7/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì vào ngày 18/12, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, địa phương.
Đến thời điểm hiện tại, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoàn thiện việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh; 511 trong tổng số 610 quận, huyện, thị xã và 5.600 trên 8.121 phường, xã, thị trấn cũng đã có ban chỉ đạo cấp huyện và cấp xã. Điều này thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các cấp chính quyền để đảm bảo tính toàn diện và hiệu quả của cuộc điều tra.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội trị triển khai Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp |
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm, cuộc tổng điều tra lần này được thiết kế với nhiều điểm đổi mới nổi bật. Thông tin thu thập không chỉ đáp ứng nhu cầu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ mà còn bao quát đầy đủ hơn về thực trạng nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Điều tra sẽ mở rộng phạm vi thu thập, không giới hạn ở một số loại cây trồng, vật nuôi chủ yếu như trước, mà bao gồm toàn bộ các loại cây trồng, vật nuôi của từng hộ gia đình. Việc áp dụng phiếu điều tra điện tử sẽ giúp cải tiến cả về phương pháp thu thập lẫn xử lý thông tin, từ đó nâng cao chất lượng và tính chính xác của số liệu.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, kết quả của cuộc tổng điều tra sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá thực trạng và hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đây sẽ là cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển nông thôn, cải thiện đời sống cư dân, và phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu chuyên sâu, hỗ trợ công tác thống kê định kỳ hàng năm trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Hơn nữa, dữ liệu từ cuộc tổng điều tra sẽ góp phần quan trọng trong việc đáp ứng các yêu cầu so sánh quốc tế, đảm bảo tính toàn diện và đồng bộ trong hệ thống thông tin thống kê của quốc gia.
Được thực hiện trên quy mô toàn quốc, đây là cuộc điều tra có sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn, từ khâu chuẩn bị, thu thập, xử lý số liệu đến công bố kết quả. Sự đổi mới này không chỉ giúp nâng cao chất lượng thông tin mà còn rút ngắn thời gian xử lý, công bố kết quả, đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ việc quản lý, hoạch định chính sách và chiến lược phát triển của đất nước.