Phát triển doanh nghiệp KH&CN là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm KH&CN, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững doanh nghiệp.
Trước buổi tọa đàm, các đại biểu đã đến dâng hương tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác, thăm Trung tâm nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ Tiến Nông (Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông) và Công ty CP Đầu tư phát triển Vicenza.
Tham gia buổi tọa đàm “Doanh nghiệp Thanh Hóa tích cực ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa nhanh và bền vững”, các ý kiến tham luận của doanh nghiệp KH&CN đều khẳng định: Đối với doanh nghiệp, KH&CN không chỉ được ứng dụng trong các công xưởng, nhà máy mà còn được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, dịch vụ chăm sóc khách hàng, quản lý vận hành doanh nghiệp. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là động lực để xây dựng và phát triển doanh nghiệp.
Công ty CP Công - nông nghiệp Tiến Nông là doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ khi mới thành lập Công ty CP Công - nông nghiệp Tiến Nông đã chú trọng các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất, tạo đột phá trong từng sản phẩm, đưa đến người nông dân những sản phẩm chất lượng, hiệu quả nhất. Để có thành quả đó, Công ty đã xây dựng được đội ngũ nhân lực KH&CN đáp ứng được trình độ chuyên môn và nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
Công ty có Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Khoa học và Công nghệ chuyên trách KH&CN với nhiều trang thiết bị hiện đại và đội ngũ nhân lực trình độ cao đáp ứng các mục tiêu nghiên cứu phát triển của công ty. Thông qua Trung tâm, công ty đã triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao đã triển khai trong thực tiễn sản xuất, đem lại lợi ích cho công ty và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch câu lạc bộ Doanh nghiệp KH&CN - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông cho biết:
“Tỉnh Thanh Hóa có 30 doanh nghiệp KH&CN, đứng thứ ba cả nước về số lượng doanh nghiệp, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, so với số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, con số 30 doanh nghiệp KH&CN còn thấp so với nhu cầu và tình hình thực tế địa phương. Nguyên nhân do các doanh nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính yếu cho nên chưa mạnh dạn đầu tư cho KH&CN; cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp KH&CN chưa thật sự hấp dẫn. Một số quy định về xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, giao quyền sở hữu, sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước... còn bất cập. Tôi cho rằng, nếu doanh nghiệp nào không đặt sự bền vững lên trước thì sẽ khó mà có thể tồn tại được. “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo” sẽ là từ khóa cho sự phát triển tất yếu của doanh nghiệp hiện nay. Và tất cả các doanh nghiệp muốn phát triển được không thể nằm ngoài xu hướng đó”.
Cũng là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Công ty CP mía đường Lam Sơn luôn xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực để xây dựng và phát triển công ty.
Công ty CP mía đường Lam Sơn luôn tìm tòi và ứng dụng các công nghệ mới với vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm như: Ứng dụng công nghệ lắng nỗi, công nghệ trao đổi ION trong làm sạch dịch đường, công nghệ khuếch tán trong trích ly đường để làm giảm việc phải sử dụng hóa chất,…
Ngoài việc ứng dụng KH&CN, công tác đổi mới sáng tạo cũng được Công ty Lam Sơn đặc biệt quan tâm. Công ty phát động sâu rộng phong trào tuổi trẻ sáng tạo trong đoàn viên thanh niên, lao động sáng tạo trong công đoàn. Trong suốt thời gian qua Lam Sơn đã được các tổ chức hội cũng như các cấp từ trung ương đến địa phương ghi nhận bằng việc tặng thưởng nhiều Bằng khen, cờ thi đua cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào sáng tạo khoa học kĩ thuật.
Hiểu được tính tất yếu của việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ngay từ đầu Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức đã xác định chiến lược phát triển của công ty là luôn đi đầu trong ngành nội thất về ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả các khâu trong doanh nghiệp. Đến giờ toàn bộ các khâu quản lý, marketing, kinh doanh sản xuất của công ty đều ứng dụng khoa học công nghệ.
Bà Vũ Thị Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty CP thiết bị giáo dục Hồng Đức cho biết: “Hồng Đức là đơn vị khoa học công nghệ sớm nhất tỉnh trong ngành nội thất. Chúng tôi thường xuyên cử người đi tham quan triển lãm học hỏi kinh nghiệm từ các bạn bè đối tác. Hàng năm công ty phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật trong toàn thể người lao động. Tuy nhiên, để khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào doanh nghiệp rất cần sự vào cuộc sâu hơn nữa của các cấp, ngành. Đặc biệt, Sở KH&CN phổ biến các chính sách, hướng dẫn các thủ tục hội thảo, lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp để cùng nhau xây dựng phát triển kinh tế địa phương và đất nước”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đánh giá cao Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã phối hợp với Sở KH&CN, Câu lạc bộ doanh nghiệp KH&CN Thanh Hóa tổ chức tọa đàm để các doanh nghiệp khoa học, nhà quản lý gặp nhau trao đổi về các lĩnh vực KH&CN đang thực hiện trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh rất tâm đắc với các ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm, đồng thời đánh giá cao các doanh nghiệp đã tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư ứng dụng KH&CN.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cho biết sẽ đặt hàng doanh nghiệp KH&CN của tỉnh các đề tài nghiên cứu, ứng dụng về xử lý môi trường. Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng, thương mại hóa kết quả KH&CN trong các doanh nghiệp; thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới gắn với chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Hiền Minh