Liên quan đến tình trạng chi phí không chính thức, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, báo cáo PCI năm 2022 cho thấy, tình trạng trả chi phí không chính thức vẫn duy trì xu hướng giảm đã bắt đầu từ năm 2016. Năm 2016, kết quả khảo sát PCI cho thấy, khoảng 66% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức; đến năm 2022, con số này ở mức 42,6%, giảm hơn 23 điểm phần trăm. Quy mô của khoản chi chi phí không chính thức cũng đã giảm đáng kể trong cùng kỳ. Nếu trong năm 2016, 9,1% doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu cho chi phí không chính thức, thì năm 2022 giá trị này chỉ còn khoảng 3,8% doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” lại tăng đáng kể trong năm 2022 lên mức 71,7% (so với mức 57,4% năm 2021).
Chủ tịch VCCI cho rằng, việc cải thiện tính minh bạch có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là với các loại tài liệu quy hoạch. Dù vẫn chưa đạt đến mức độ “dễ dàng” tiếp cận với số đông doanh nghiệp nhưng xu hướng theo thời gian cho thấy những trở ngại đang dần được gỡ bỏ với doanh nghiệp khi tiếp cận các loại thông tin, tài liệu này.
“Tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực thủ tục hành chính. Chất lượng thực thi chính sách ở cấp chính quyền cơ sở vẫn một hạn chế đáng chú ý và cần thêm nhiều cố gắng hơn nữa ở các địa phương để kết quả cải thiện chất lượng điều hành có kết quả đồng bộ. Bên cạnh đó, tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn với nhiều doanh nghiệp và là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Vấn đề các doanh nghiệp cần tiếp tục tháo gỡ là tình trạng ách tắc, thời gian giải quyết hồ sơ về đất đai thường xuyên kéo dài hơn so với quy định”, ông Phạm Tấn Công chỉ rõ.
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều thách thức như hiện nay chính là lúc chính quyền các địa phương cần chứng minh bản lĩnh và năng lực giải quyết các vấn đề mới, cải thiện hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong việc gia nhập thị trường và tạo thuận lợi tiếp cận các nguồn lực sản xuất như đất đai, lao động, tín dụng. Việc tăng cường tính minh bạch thông tin, giảm các phiền hà về tuân thủ thủ tục hành chính và giảm gánh nặng chi phí không chính thức ở các địa phương sẽ có hiệu quả tương đương như các gói hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa mà Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua.
T.H