Tỉnh Lào Cai, thị xã Sapa cần quan tâm xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững

16:07 24/09/2023

Tỉnh Lào Cai, thị xã Sapa cần quan tâm xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững. Mỗi người dân Sapa sẽ trở thành một sứ giả về văn hóa; mỗi du khách khi đến với Sapa sẽ đều trách nhiệm trong giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan.

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi dự Chương trình đặc biệt Kỷ niệm 120 năm du lịch Sapa, tối 23/9, tại tỉnh Lào Cai. Theo Phó Thủ tướng, Sapa đang tiến bước trên hành trình trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế, với hệ thống các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, điểm giao lưu văn hóa khu vực Trung du miền núi phía Bắc.

Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng phát triển du lịch Sapa cũng để lại bài học kinh nghiệm quý báu về phát triển văn hóa như một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân - Ảnh: VGP/MK.

Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai nói chung và Sapa nói riêng, trong nỗ lực bảo tồn, phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa bản địa độc đáo, đặc sắc.

"Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu trong phát triển văn hóa; bởi văn hóa trường tồn khi trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, tỉnh Lào Cai trong quá trình phát triển du lịch Sapa cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sapa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng tới một Sapa phát triển bền vững, hài hoà và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn các giá trị văn hoá, bản sắc kiến trúc cốt lõi; lấy cộng đồng các dân tộc Sapa vừa là chủ thể, mục tiêu, động lực và là người thụ hưởng thành quả từ phát triển. Chú trọng chuyển đổi xanh trong du lịch, phát triển các loại hình du lịch dựa vào hệ sinh thái; phát huy giá trị văn hoá bản địa để thúc đẩy kinh tế du lịch, lấy kinh tế du lịch làm nền tảng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá bản địa. Đây chính là thế mạnh riêng có của Sapa, và cũng là xu thế chung, tất yếu của thế giới. Quy hoạch du lịch Sapa phải giữ gìn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của nơi gặp gỡ đất trời, thị trấn bồng bềnh trong biển mây, thiên đường nghỉ dưỡng châu Âu giữa lòng Việt Nam… Để mỗi du khách đến với Sapa sẽ cảm nhận được vẻ đẹp mang hơi thở của cuộc sống bình yên, thơ mộng, chốn bồng lai tiên cảnh vùng non cao.

Ảnh minh họa
Sapa đang tiến bước trên hành trình trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế, với hệ thống các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc - Ảnh: VGP/MK.

Tỉnh Lào Cai, thị xã Sapa cần quan tâm xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững. Mỗi người dân Sapa sẽ trở thành một sứ giả về văn hóa; mỗi du khách khi đến với Sapa sẽ đều trách nhiệm trong giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan bởi đó chính là nguồn sống của hôm nay và mai sau. "Tôi mong muốn chúng ta hãy hành động ngay, bắt đầu bằng việc rất đơn giản là khi chương trình này kết thúc, hãy cùng nhau thu dọn sạch rác trước khi ra về", Phó Thủ tướng bày tỏ.

Phó Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu nhanh chóng chuyển đổi số, hướng tới mô hình quản trị hiệu quả, ứng dụng công nghệ để truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Sapa ra thế giới; tạo ra không gian mới cho phát triển du lịch, giảm thiểu tác động đến môi trường, nguyên thiên nhiên, cảnh quan, các hệ sinh thái, các di sản.

Theo Phó Thủ tướng, với chi phí không quá lớn, sự kết hợp giữa những trải ngiệm "ảo" với những trải nghiệm "thực" về cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hoá, con người Sapa chắc chắn sẽ nâng cao sức hút, mời gọi và giữ chân du khách ở Sapa. Cùng với đó, tỉnh Lào Cai cần chú trọng quảng bá du lịch Sapa qua các tác phẩm, loại hình nghệ thuật, đặc biệt là văn học, nhiếp ảnh, điện ảnh.

"Chúng ta đã có một "Lặng lẽ Sapa" của nhà văn Nguyễn Thành Long được đưa vào sách giáo khoa phổ thông; những thước phim về sự hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh Fansipan hay vẻ đẹp lộng lẫy của ruộng bậc thang mùa vàng, mùa nước đổ… đã thôi thúc bước chân du khách đến với Sapa. Du lịch Sapa cần thêm nhiều tác phẩm như vậy để đưa những giá trị cốt lõi của vùng đất, con người nơi đây đến với du khách trên toàn thế giới", Phó Thủ tướng nói.

Tỉnh Lào Cai cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, giữa các loại hình, sản phẩm du lịch, tạo thành chuỗi điểm đến trong đó Khu du lịch quốc gia Sapa phải là động lực, thu hút du khách đến với các điểm đến trên tuyến. Ngược lại, các điểm đến này cũng tạo nên sức hút chung cho du lịch Sapa. Đồng thời tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch đặc biệt là trang bị kỹ năng, hình thành tư duy làm du lịch chuyên nghiệp cho đồng bào các dân tộc Sapa, bởi chính họ làm nên sức hút và sự đặc sắc của du lịch Sa pa.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ, xây dựng cơ chế để thu hút nguồn lực về vốn, nguồn nhân lực nhằm đầu tư, phát triển chuỗi giá trị du lịch Sapa một cách bền vững.

T.H