Theo Cổng TTĐT Bộ Nội vụ, vừa qua, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ 1/7/2024.
Dự kiến tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430.000 tỷ đồng.
Như vậy ngân sách đã bố trí 562.000 tỷ đồng, đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 27/2018 của Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499.000 tỷ đồng. Trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470.000 tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11.100 tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18.000 tỷ đồng.
Tiền lương công chức viên chức tăng 32%
Điểm đáng chú ý của chính sách tiền lương mới là quy định mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.
Hiện nay lương khu vực doanh nghiệp chia làm 4 vùng: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp hiện nay là hơn 3,9 triệu đồng.
Ngoài ra, chính sách tiền lương mới cũng mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12.
Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay.
Mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68. Hiện nay công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng.
Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Vì vậy, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến cũng vượt khá xa con số 18 triệu đồng như hiện nay.
Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.
Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).
Bảo đảm lương mới không thấp hơn tiền lương hiện hưởng
Nghị quyết số 27 nêu rõ nguyên tắc “chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng”.
Theo đó, đối với cán bộ xếp lương chức vụ từ bộ trưởng trở lên căn cứ vào hệ số lương cũ và thời gian đảm nhiệm chức vụ để chuyển xếp vào bảng lương mới.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức đang giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo (đang xếp lương chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo) thì căn cứ vào chức vụ, chức danh lãnh đạo hiện đảm nhiệm tại thời điểm chuyển xếp lương và thời gian giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo tương đương đề xếp vào mức lương của chức danh hiện đảm nhiệm và hưởng thêm tỷ lệ % tính theo chế độ nâng lương theo thời hạn.
Trường hợp đã xếp lương cũ sang lương mới có tổng tiền lương mới (gồm cả phụ cấp) thấp hơn thì được hưởng mức chênh lệch bảo lưu. Mức chênh lệch bảo lưu này được hưởng trong suốt thời gian cán bộ, công chức, viên chức xếp lương chức vụ.
Sau đó, nếu cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được bổ nhiệm chức vụ cao hơn hoặc thôi giữ chức vụ lãnh đạo thì được cộng mức chênh lệch bảo lưu này vào mức lương đang hưởng để xếp lương theo chức vụ mới hoặc ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được bổ nhiệm và thôi hưởng chênh lệch bảo lưu.
Đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo thì căn cứ vào hệ số lương cũ đã được xếp ở ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức để chuyển xếp sang mức lương mới trong bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.
Trường hợp chuyển xếp lương cũ sang lương mới có tổng tiền lương mới (gồm cả phụ cấp) thấp hơn tổng tiền lương cũ thì được hưởng mức chênh lệch bảo lưu.
Theo mục tiêu cải cách tiền lương tại Nghị quyết 27-NQ/TW, khi thực hiện chính cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 thì tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng. Điều này giúp mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của nhóm này cũng tăng theo.
Hiện nay, lương hưu được tính dựa trên số năm đóng BHXH và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Do đó, nếu tăng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (đầu vào) thì lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước thuộc diện được tăng tiền lương (đầu ra) cũng sẽ tăng theo.
Tú Anh (t/h)