Thuốc giả xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc, đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng

18:26 23/08/2022

Số lượng thuốc giả, xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng. Các vụ án liên quan đến thuốc giả được phát hiện đã tạo dư luận xấu cho xã hội.

Sáng 23/8, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tổ chức Hội thảo "Thuốc giả và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp”.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thuốc và thực phẩm chức năng bị làm giả không những làm ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn gây nguy hại đến sức khỏe toàn xã hội. Điểm qua hàng loạt các vụ án trong ngành y tế trong thời gian vừa qua, điển hình là vụ Việt Á và VN Pharmar.

Ảnh minh họa
Hội thảo "Thuốc giả và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp”. 

Nhiều vụ việc Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra, đơn vị sản xuất hàng giả là thuốc, thực phẩm chức năng, hoá mỹ phẩm chỉ là “công nghệ xoong nồi và chảo quấy”.

“Từ đầu năm 2022 đến nay, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý gần 1.500 vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ… trị giá hàng hoá lên tới hàng chục tỷ đồng”, ông Lê cho biết.

Bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng Thư ký- Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam chia sẻ: “Trong nhiều năm qua, số lượng thuốc giả, xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng. Thời gian vừa qua, các vụ án liên quan đến thuốc giả được phát hiện đã đẩy lên một cao trào với làn sóng dư luận và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội”.

Trong số các mẫu thuốc tân dược bị làm giả thì đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng. Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt.

Thuốc giả không chỉ là bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc. Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.

Đáng chú ý, Trần Hoàng Kim Anh, đại diện cho Thương hiệu PN’S CHOICE, Công ty TNHH Tập đoàn Y - Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam chỉ rõ: Có đến 90% sâm Ngọc Linh gắn mác khai thác tự nhiên trên thị trường là giả, điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn với doanh nghiệp khi khách hàng quay lưng lại với Sâm Ngọc Linh vì vấn nạn làm giả.

Ảnh minh họa
Các vụ án liên quan đến thuốc giả được phát hiện đã tạo dư luận xấu cho xã hội. 

Ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) nhận định nạn sản xuất thuốc giả đang có xu hướng dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân, thành lập công ty liên danh, liên kết trong và ngoài nước, hình thành đường dây, ổ nhóm lớn để buôn lậu, gian lận thương mại. Sản xuất và buôn bán thuốc giả với phương thức, thủ đoạn tinh vi, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ông Đông lý giải, vấn nạn trên xuất phát từ lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ là rất lớn, đặc biệt là nhóm thuốc và thực phẩm chức năng.

Cùng với đó là ý thức của người tiêu dùng chưa cao, tự ý mua thuốc không qua kê đơn tại hiệu thuốc hoặc chợ mạng. Việc giám định thuốc, thực phẩm chức năng đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian dài để thẩm tra, xác minh; sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan còn chưa cao, chưa đồng bộ, xuyên suốt. Lực lượng quản lý thị trường chưa được đào tạo chuyên sâu về kiến thức thuốc, thực phẩm chức năng cũng như chưa tiếp cận được thông tin kịp thời.

Để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, và buôn bán hàng giả, các tham luận tại hội thảo khuyến nghị các cơ quan chức năng cần chủ động nắm tình hình, nhận diện những vấn đề phức tạp, xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm chức năng giả.

Tập trung phương tiện, biện pháp, đánh đúng, đánh trúng các đối tượng cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung.

Cần có sự tham gia quyết liệt của các hiệp hội có liên quan phối với doanh nghiệp trong đấu tranh chống, thực phẩm chức năng giả; có những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận để có thể hỗ trợ cho lực lượng quản lý thị trường thực thi nhiệm vụ; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Đồng thời, người tiêu dùng chỉ nên mua thực phẩm chức năng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, để tránh mua phải hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng; cần có tư vấn khi sử dụng. Thông tin cho cơ quan nhà nước có liên quan khi phát hiện thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường không bảo đảm an toàn, có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Hà Anh