Thực trạng vi phạm
Theo thống kê số liệu vi phạm từ năm 2021 đến tháng 10 năm 2021 trên địa bàn toàn thành phố phát sinh 106 vụ việc vi phạm. Cùng với đó là tình trạng khai thác cát trái phép khu vực lòng sông vẫn diễn ra tại một số khu vực thuộc địa bàn các quận, huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn. Phương tiện được sử dụng thường là tàu cuốc, tàu hút. Hoạt động khai thác cát trái phép từ lòng sông được bơm lên tàu tự hành hoặc tàu sang mạn, khu vực khai thác cát thường là ở giữa dòng sông.
Việc khai thác cát, đặc biệt là khai thác cát trái phép, không theo quy hoạch là nguyên nhân chính gây hạ thấp lòng sông, đáy sông, làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, hạ thấp mực nước mùa kiệt, gây ảnh hưởng xấu đến khả năng lấy nước của các công trình thuỷ lợi ven sông.
Tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng với diện tích và chiều cao chất tải lớn, nằm trong tuyến thoát lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống tập trung nhiều tại địa bàn các quận, huyện, thị xã: Thường Tín, Sơn Tây, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh…; tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ, bãi sông công trình bảo vệ bờ và gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận; một số bến bãi xảy ra tình trạng đổ đất thải san lấp mặt bằng, lấn chiếm lòng sông, đóng cọc cừ thép, đắp bờ quây sát mép bờ sông, gây cản trở trực tiếp đến dòng chảy, thoát lũ; một số chủ bến còn tập kết, trung chuyển, kinh doanh cát đen không rõ nguồn gốc; cùng với việc trung chuyển vật liệu xây dựng bằng xe có tải trọng lớn đi trên đê làm hư hỏng mặt đê, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của đê. Theo thống kê hiện nay, dọc các tuyến sông thuộc địa bàn Thành phố có tổng số 195 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng.
Trên tuyến đê Tả Đáy thuộc địa bàn các huyện Quốc Oai, Thanh Oai và Ứng Hòa tồn tại 21 điểm tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng nhỏ lẻ nằm trên mặt đê, mái đê; ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đê điều còn có nguy cơ gây mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, các điểm tập kết này cần được quan tâm xử lý.
Trên tuyến đê cấp IV (Minh Quang - Khánh Thượng), thuộc địa bàn huyện Ba Vì hiện có 07 điểm kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng, trong đó có 01 điểm nằm trong khu vực phía hạ lưu đê; trên tuyến đê hữu Hồng thuộc xã đảo Minh Châu hiện có 01 điểm tập kết trung chuyển kinh doanh VLXD; qua kiểm tra các vị trí trên đều hoạt động không phép.
Ngoài ra, trên các tuyến sông thuộc địa bàn Thành phố hiện có 25 đơn vị lắp dựng trạm trộn bê tông ngoài khu vực bãi sông với tổng số trạm 52 trạm. Hoạt động không phép của các đơn vị trong việc lắp dựng các trạm trộn bê tông ngoài khu vực bãi sông trên địa bàn Thành phố hiện nay vẫn tồn tại làm ảnh hưởng đến môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận, cùng với đó là tình trạng xe quá tải lưu thông trên đê làm cho mặt đê xuống cấp, mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Xử lý vi phạm
Trước thực trạng nghiêm trọng trên, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường xử lý vi phạm, pháp luật về đê điều.
Bên cạnh đó, Công an Thành phố đã ban hành kế hoạch về tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản và bảo vệ đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sở Tài Nguyên và Môi trường đã thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội và các văn bản về việc kiểm tra, quản lý đất đai ven sông thuộc Đề án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân các quận, huyện Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Long Biên đã tổ chức kiểm tra lập hồ sơ và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều cáccá nhân, tổ chức có hoạt động bến bãi tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng, xử phạt vi phạm hành chín tại khu vực bãi sông trên địa bàn.
Theo Chi cục Phòng, Chống thiên tai Hà Nội: “Để làm tốt việc quản lý đê điều thì Chủ tịch UBND các cấp phải làm đúng chức trách, không chủ quan, không làm hình thức và phải xử lý dứt điểm các sai phạm, không để tái diễn. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai”.
Bài viết có sự đồng hành của Chi cục Phòng, Chống Thiên tai Hà Nội.
Bích Hảo