Ngày1/6 Nghị 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo (gọi tắt là Nghị định 38) chính thức có hiệu lực. Thời gian qua, đã có rất nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại về một số quy định được đưa vào trong Nghị định này, đặc biệt là 2 quy định xử phạt vi phạm về quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử. VietTimes cũng đã có bài viết phản ánh vấn đề này.
Trả lời giới báo chí, bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cho biết, đối với báo điện tử, ở Khoản 1 Điều 23 của Luật Quảng cáo (ban hành năm 2013) đã quy định: Thứ nhất, không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào nội dung tin bài; Thứ hai, đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây.
Quy định nói trên đã được đưa vào Nghị định 158 ban hành năm 2013 và được đưa lại trong Nghị định 38 năm 2021 vừa có hiệu lực. Đó không phải là nội dung mới, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết.
“Có thể thấy, việc xử lý hành vi vi phạm quy định về quảng cáo ở 2 Nghị định là giống hệt nhau, không có sự thay đổi về đối tượng, hành vi và mức xử phạt đều phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo và Luật xử lý vi phạm Hành chính”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Giải thích cho lo ngại của một số đại diện báo chí và nhãn hàng rằng “thời gian chờ tắt mở quảng cáo chỉ tối đa 1,5 giây thì không đủ để truyền tải thông điệp gì, trong khi ở các mạng xã hội như YouTube và Facebook cho phép tới 5 giây”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết phần quảng cáo trên báo điện tử thường được bố trí ở một khu vực cố định, riêng biệt không lẫn với nội dung tin bài. Phần này sẽ không bị hạn chế về thời lượng quảng cáo, cũng như không phải thêm thiết kế để độc giả chủ động tắt, mở quảng cáo. Nhưng đối với các quảng cáo không ở vị trí cố định, thì báo chí phải thiết kế để độc giả chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ để tắt hoặc mở không vượt quá 1,5 giây.
“Chúng tôi đề nghị hết sức lưu ý từ chủ động bởi đây là quyền của độc giả. Ở những bài quan trọng họ có thể tắt quảng cáo sau 1,5 giây để không bị ảnh hưởng. Nếu họ không muốn tắt thì quảng cáo vẫn có thể phát tiếp, không bị khống chế về mặt thời gian”, bà Thuỷ nói.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL cũng giải thích thêm rằng quy định trên không làm hạn chế hoạt động quảng cáo của báo điện tử (vốn là nguồn thu chính của các báo điện tử hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính một phần hoặc toàn phần – PV). Các báo điện tử chỉ cần đáp ứng yêu cầu có nút để độc giả có thể tắt mở quảng cáo tối đa trong vòng 1,5 giây để độc giả không phải xem quảng cáo cưỡng bức gây ức chế. Hơn nữa, các báo điện tử cũng đã có thời gian thực hiện quy định này từ 10 năm nay (từ khi Nghị định 158 được ban hành - PV), cho nên Nghị định 38 cũng sẽ không ảnh hưởng đến các báo.
Đối với một số ý kiến cho rằng quy định quảng cáo trên mạng xã hội và các nền tảng xuyên biên giới thuận lợi hơn so với báo điện tử, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nói rằng các mạng xã hội như YouTube, Google không phải là cơ quan báo chí. Hoạt động của các mạng xã hội chịu sự điều chỉnh của hệ thống các quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet. Vì vậy các quy định về quảng cáo trên mạng xã hội sẽ không giống như cơ quan báo chí. Các quy định áp dụng với báo chí nhằm đảm bảo sự chính xác của thông tin, bảo vệ quyền lợi độc giả, không phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội.
Bà Trịnh Thị Thuỷ cho biết Bộ VH-TT-DL sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tiến tới bổ sung và sửa đổi các quy định về quảng cáo trên báo điện tử.
PV (t/h)